Hình ảnh lõi gỗ sưa sau khi đã được đẽo gọt đi phần vỏ (Ảnh: Báo Giao thông)
Tính đến nay, sau 4 năm chặt hạ và đã trải qua 4 lần đấu giá, lô gỗ sưa vẫn chưa tìm được chủ nhân mới. Giá trị lô gỗ sưa ở thời điểm đấu giá ban đầu được định giá khoảng 146 tỷ đồng nhưng không ai mua. Ở những phiên đấu giá tiếp theo, dù giá đã được giảm 1/3 giá trị ban đầu (còn khoảng 100 tỷ đồng) nhưng vẫn không có ai mua vì cho rằng giá đó vẫn quá cao.
Ở lần đấu giá lần thứ 5 tới đây, người dân làng Phụ Chính vẫn sẽ nhờ các cơ quan Sở Tư pháp Hà Nội tư vấn, làm thủ tục, đăng tải thông tin để đấu giá như những lần trước.
Người dân chặt hạ cây sưa trong đình Phụ Chính năm 2019. Ảnh: TPO
Trước đó, trong khuôn viên chùa Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có hai cây sưa quý hiếm. Một cây 130 năm tuổi, có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.
Năm 2010, có người đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho một cây sưa đỏ nhưng người dân không bán. Sau đó, người dân đã cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng.
Đến tháng 10/2018, thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính bắt đầu chặt hạ hai cây sưa đỏ, chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng từ 550kg đến hơn 2.000kg.