'Lỗ hổng' CV là gì

05/01/2023, 11:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những khoảng trống trong bộ hồ sơ xin việc được cho là ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn, nhưng gen Z lại có cái nhìn hoàn toàn khác về vấn đề này.

Gen Z có cái nhìn tích cực về khoảng trống trong hồ sơ việc làm. Ảnh: Wall Street Journal.

Khoảng trống hồ sơ (résumé gaps) được hiểu khoảng thời gian nghỉ việc nên không có thông tin để ghi vào hồ sơ việc làm. Trong nhiều thập kỷ qua, các ứng viên đều tránh nộp hồ sơ có "khoảng trống". Chính điều này gây ra tình trạng gian lận hồ sơ, ứng viên cố tìm cách lấp đầy khoảng trống trong hồ sơ tìm việc bằng những hoạt động ngoại khóa.

Nhưng giờ đây, khi gen Z tham gia thị trường lao động, họ bắt đầu thay đổi quan niệm này. Một khảo sát của một công ty tuyển dụng tại Anh với người lao động dưới 25 tuổi cho thấy số người có khoảng trống hồ sơ trên 6 tháng chiếm khoảng 33% so với lao động toàn quốc.

Trong một phỏng vấn với Insider, người lao động gen Z nghĩ rằng khoảng trống hồ sơ không nên bị coi là yếu tố cản trở cơ hội phát triển của người lao động. Gen Z cũng cho rằng các công ty không nên đánh giá thấp những người lao động đã chọn hoặc bị buộc phải nghỉ một thời gian dài, khiến hồ sơ có khoảng trống.

Thay vì coi khoảng trống hồ sơ là điều tiêu cực, nhiều gen Z tin rằng những kỳ nghỉ trong sự nghiệp (career breaks) là điều tích cực. Các nhà tuyển dụng cần xem xét lại những định kiến liên quan điều này.

Khoảng trống hồ sơ khiến người lao động thiệt thòi

Những kỳ nghỉ trong sự nghiệp không phải chuyện hiếm trong những năm gần đây. Đầu tháng 3/2022, LinkedIn đã làm khảo sát với hơn 23.000 người lao động và hơn 7.000 nhà quản lý tuyển dụng. Kết quả cho thấy khoảng 62% người lao động từ có kỳ nghỉ sự nghiệp.

Năm 2010, The Guardian cũng nêu thông tin số người lao động có kỳ nghỉ sự nghiệp đã tăng khoảng 14 lần kể từ những năm 1970.

Tương tự, một công ty tuyển dụng tại Anh cũng làm khảo sát với người lao động để tìm hiểu lý do người lao động tạm nghỉ trong suốt sự nghiệp. Kết quả, 38% nữ giới và 11% nam giới cho biết họ nghỉ vì muốn dành thời gian nghỉ ngơi. 1% cho biết vấn đề sức khỏe hoặc thể chất là nguyên nhân. Ngoài ra, khoảng 1/3 người làm khảo sát cho biết họ có khoảng trống nghề nghiệp do bị sa thải hoặc phải chăm sóc người thân, bạn bè.

Dù lý do nghỉ là gì, các công ty vẫn đánh giá thấp những người có khoảng trống trong hồ sơ xin việc. Nghiên cứu gần đây của ResumeGo - công ty tư vấn CV - cho biết những ứng viên có khoảng trống hồ sơ thường có ít khả năng được mời phỏng vấn hơn những người không có. Hơn một nửa số người nộp hồ sơ cho biết họ sẽ thấy tự tin hơn khi đi phỏng vấn việc làm nếu nhà tuyển dụng không hỏi về khoảng trống hồ sơ.

Thành kiến về khoảng trống hồ sơ cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng việc làm của người lao động. Một nghiên cứu năm 2020 của các nhà nghiên cứu tại Đại học North Carolina (Mỹ) phát hiện những người từng có kỳ nghỉ trong sự nghiệp thường có mức lương thấp hơn 40% so với những người không có kỳ nghỉ.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra phụ nữ, đàn ông da đen - những người ít có cơ hội trong giáo dục hơn hoặc có hoàn cảnh khó khăn ở tuổi 22 - nhiều khả năng sẽ có những khoảng trống trong hồ sơ. Do đó, họ thường nhận được mức lương thấp hơn người khác.

Brad Thomas, Giám đốc kinh doanh tại công ty tuyển dụng Orange Quarter, cho biết định kiến về khoảng trống hồ sơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người trẻ tuổi và khiến họ phải mất nhiều thời gian hơn để xây dựng sự nghiệp.

"Nếu ai đó nghỉ ngơi ở độ tuổi 20, nhà tuyển dụng có thể coi đó là người không coi trọng sự nghiệp", ông Thomas nói.

suy nghi cua gen Z anh 1

Dù chưa đi làm, gen Z vẫn không hề nhàn rỗi như nhiều người vẫn nghĩ. Ảnh: Pexels.

Nghỉ làm không có nghĩa là chỉ ở nhà xem tivi

Đối với những người trẻ, những kỳ nghỉ sự nghiệp không có nghĩa là họ chỉ nằm ở nhà xem tivi hoặc không làm gì. Shola West (22 tuổi) là một trường hợp như vậy.

Trước khi gia nhập thị trường lao động, West quyết định "gap year" một năm sau khi tốt nghiệp để có thời gian nghiên cứu, mở rộng kết nối, tham dự các sự kiện và tìm hiểu rõ những thứ mình đang tham gia.

"Thời gian nghỉ của tôi không chỉ là ngồi ở nhà xem tivi. Tôi không ngừng suy nghĩ về việc muốn làm và nâng cao kỹ năng của bản thân để đặt mình ở vị trí tốt nhất, để khi xin việc, tôi có đủ cơ hội thể hiện và chứng minh kỹ năng của mình", Shola West nói với Insider.

Tương tự, những người trẻ tuổi khác cũng đi theo con đường này để khám phá các lựa chọn nghề nghiệp trước khi tham gia lực lượng lao động.

Khyati Sundaram, CEO của một nền tảng tuyển dụng tại Anh, cho biết khoảng 70% lao động trẻ tham gia khảo sát với nền tảng tin rằng việc nghỉ ngơi trước khi gia nhập thị trường lao động sau tốt nghiệp sẽ giúp họ tìm được công việc tốt hơn.

Ông Brad Thomas cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông, việc dành thời gian nghỉ ngơi cho phép người lao động có thêm kinh nghiệm và kỹ năng thực tế giúp ích cho sự nghiệp trong thời gian dài. Thậm chí, việc này khuyến khích người lao động chuyển hướng sang một ngành hoàn toàn mới.

Insider dự đoán thái độ của các nhà tuyển dụng với "khoảng trống nghề nghiệp" có thể đã bắt đầu thay đổi. Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều nhà tuyển dụng nhận ra rằng việc ngừng đi làm trong thời gian dài không có nghĩa là ứng viên đó thiếu kỹ năng hoặc trình độ.

Trong dữ liệu do LinkedIn ghi nhận vào năm 2021, 79% nhà tuyển dụng cho biết họ sẽ thuê ứng viên có khoảng trống hồ sơ. Nhưng khi nền kinh tế yếu đi và thị trường làm việc trở nên bấp bênh hơn, Insider cũng không chắc liệu sự cởi mở này là khởi đầu của một mô hình mới hay chỉ là một "cú hích" thời Covid-19.

Theo zingnews.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Lỗ hổng' CV là gì