Bảng lương giáo viên tiểu học sau khi tăng lương cơ sở từ ngày 1/7.
Không yên tâm với nghề
Ở vị trí quản lý trường học, cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai, quận Ba Đình (Hà Nội) đau đáu nỗi lo đội ngũ giáo viên sẽ rời bỏ nghề đi tìm công việc khác, môi trường khác. Mức lương của giáo viên mới ra trường ký hợp đồng trường hoặc quận hiện nay chỉ có hơn 3,7 triệu đồng/tháng hay giáo viên có thâm niên 10 năm đứng lớp ở bậc học mỗi tháng thu nhập chừng hơn 5 triệu.
“Với mức lương đó, thử hỏi làm sao có thể đáp ứng được các nhu cầu chi tiêu cơ bản ở TP. Nhiều giáo viên tan giờ làm vội vã đi làm những việc khác như: trông trẻ muộn, đón học sinh, làm giúp việc cho các gia đình để có thêm thu nhập, tiếp tục bám trụ với nghề. Đó là thực tế”, cô Hương chia sẻ.
Mức lương của giáo viên mới ra trường ký hợp đồng hiện nay chỉ có hơn 3,7 triệu đồng.
Cũng theo hiệu trưởng này, ai đi làm cũng đều trông chờ vào thu nhập, đồng lương. Khi lương thấp, họ đối mặt với bài toán cơm áo gạo tiền sẽ không toàn tâm toàn ý cho công việc. Họ sẽ phải nghĩ việc làm thêm trong khi việc ở trường mầm non vốn đã rất vất vả, chiếm nhiều thời gian trên ngày. Kiệt sức, mệt mỏi về mặt tinh thần, ảnh hưởng đến chất lượng công việc là điều không tránh khỏi.
Thấu hiểu điều đó, người quản lý như cô Hương chia sẻ giải pháp trước mắt là vừa động viên các cô giáo tiếp tục cố gắng làm việc, chờ được tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi đồng thời tạo môi trường làm việc thuận lợi nhất cho đội ngũ. Cố gắng tổ chức nhiều hoạt động để giáo viên tăng thu nhập như, bố trí trông trẻ trả muộn, thu hút học sinh có thêm tiền bán trú/tháng nhưng mức tăng thêm từ những việc này đều chưa đáng kể.
Để giữ chân nhà giáo , cô Hương cho rằng, cần có chế độ, chính sách ưu đãi đối với giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng. “Bởi đây là nghề nặng nhọc, độc hại phải có chính sách phù hợp. Chỉ khi đội ngũ có mức lương tạm đủ sống, đáp ứng được các nhu cầu cơ bản họ mới yên tâm công tác, có nhiều sáng tạo, tâm huyết trong chăm sóc, nuôi dạy trẻ”, cô Hương nói.
Sớm nâng phụ cấp ưu đãi
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, chính vì áp lực đổi mới chương trình GDPT 2018 và áp lực cuộc sống, trong vòng 3 năm từ 2020-2023 có hơn 40.000 giáo viên rời bỏ nghề đi tìm việc khác như: xuất khẩu lao động, làm ở các khu công nghiệp, làm tự do... Mà nguyên nhân chính có lẽ là do mức thu nhập thấp, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Người đứng đầu ngành giáo dục lo lắng, tình trạng này sẽ tiếp tục tái diễn trong những năm tiếp theo. Trong khi, công cuộc đổi mới chương trình GDPT 2018 luôn xác định đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt, quyết định đến chất lượng.
Hiện nay, một số tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên có chỉ tiêu nhưng không tuyển được giáo viên mầm non. Tỉnh Hưng Yên vừa có chính sách thu hút đội ngũ, hỗ trợ mức 160 triệu đồng cho giáo viên mầm non; 108 triệu đối với giáo viên tiểu học được tuyển dụng làm việc tại các trường công lập.
Tại cuộc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục trên toàn quốc cách đây ít ngày, trong khoảng 6.500 ý kiến giáo viên gửi về Bộ GD&ĐT, có tới 2.000 ý kiến liên quan đến đề cập, kiến nghị vấn đề tiền lương, chế độ ưu đãi. Rất nhiều nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc tâm tư. Yêu nghề, mến trẻ, công việc áp lực, đối mặt với nhiều rủi ro nhưng bao nhiêu năm qua mức lương không tương xứng, không có điều kiện chăm sóc gia đình, con cái đầy đủ.
Chia sẻ với đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, mức lương giáo viên mầm non vẫn thấp so với công sức đội ngũ đã bỏ ra. Bộ trưởng thông tin, hiện nay, Chính phủ giao các bộ ngành, cân nhắc khả năng để nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Bước đầu Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ có sự thống nhất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi 10% với giáo viên mầm non và 5% đối với giáo viên tiểu học.
Một số nhà quản lý giáo dục nói rằng, tăng phụ cấp ưu đãi từ 5-10% là con số không lớn tuy nhiên cũng là sự động viên đối với nhà giáo. Hi vọng, Bộ GD&ĐT tiếp tục kiến nghị, để đội ngũ nhà giáo sớm được thụ hưởng quyền lợi, vơi bớt nhọc nhằn, tiếp tục gắn bó với nghề.