Theo quy định, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe. Còn lại “điểm sàn”, điểm chuẩn của các ngành khác thuộc về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và do các trường quy định. TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) cho hay, mức điểm này phụ thuộc vào tỉ lệ cạnh tranh, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành học cụ thể.
Do đó, điểm chuẩn trong đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo chỉ mang tính chất tham khảo, không có nghĩa điểm chuẩn năm nay sẽ như năm trước, thậm chí có thể khác biệt. Tuy nhiên, theo TS Võ Thanh Hải, nhìn vào số liệu điểm chuẩn của 3 năm gần nhất, thí sinh sẽ dự đoán được xu hướng điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành, trường học mà mình dự định đăng ký xét tuyển trong năm nay.
Đặt vấn đề về dự đoán điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) cho rằng, việc này còn phụ thuộc nhiều vào phổ điểm của năm nay. Thí sinh nên tham khảo điểm trúng tuyển qua các năm để có thể tìm ra quy luật nào đó, từ đó xem xét đặt nguyện vọng vào các trường đại học mà các em mong muốn. “Các anh chị sinh viên đi trước là những người đã có kinh nghiệm, làm nhiều bài toán để xác định xem mức điểm nào có thể trúng tuyển. Thí sinh có thể tham khảo ý kiến từ các anh/chị sinh viên” - PGS.TS Phạm Thu Hương tư vấn.
Nhắn nhủ với thí sinh, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) khuyến nghị, thí sinh cần xem mình đam mê, yêu thích ngành nào, trên cơ sở đó trang bị thêm kiến thức chuyên môn. Khi các em trở thành chuyên gia giỏi trong bất cứ lĩnh vực nào, chắc chắn sẽ được trọng dụng và có được vị trí việc làm thoả mãn đam mê, cũng như đáp ứng nhu cầu về vật chất.
“Thực tế, những ngành có bề dày truyền thống vẫn đang đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước. Cơ hội việc làm không chỉ là cơ hội ngắn hạn, mà nó còn là cả một chặng đường phát triển lâu dài” - PGS.TS Đặng Thị Thu Hương cho hay.
Nhấn mạnh, Hệ thống không cản trở thí sinh khi đặt những nguyện vọng cao, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, trường hợp thí sinh không trúng tuyển những nguyện vọng cao nhất, thì các em cũng không bị thiệt thòi gì khi xét tuyển ở những nguyện vọng đặt vị trí thấp hơn. Vì thế, thí sinh không nên quá lo lắng về việc đặt nguyện vọng. Các em yêu thích ngành nào, cảm thấy mình có năng lực để theo học thì nên đặt nguyện vọng đó lên đầu. Chính sách của Bộ GD&ĐT đang tạo điều kiện để đảm bảo cơ hội tốt nhất cho thí sinh.
Ban Tuyển sinh của Học viện Thanh thiếu niên đưa ra 3 nguyên tắc tối ưu hóa nguyện vọng, gồm: Sắp xếp nguyện vọng theo nguyên tắc “3 ưu tiên”; Rải nguyện vọng cách đều điểm mục tiêu và phải có ít nhất 1 nguyện vọng “cứu cánh”; Chỉ tập trung các nguyện vọng vào 2 - 3 nhóm ngành có liên quan và có một nguyện vọng thông minh tăng cơ hội trúng tuyển từ hôm nay.