Chạch là loại cá quen thuộc với người đân và rất được yêu thích, vậy ăn cá chạch có tốt không?
Vì sao cá chạch lại được gọi là "nhân sâm dưới nước"?
Báo VnExpress dẫn lời Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội cho biết, trong Đông y, cá chạch được ví như "sâm nước" bởi nhiều tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lý. Trong cá chạch nhiều lysine - thành phần thiết yếu hình thành tinh trùng. Vì vậy, ăn cá chạch không chỉ giúp tăng số lượng mà còn cả chất lượng tinh trùng.
Bài viết của BS Kim Minh cho biết trên báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, trong 100g thịt chạch có 16,9g protit, 2g lipit, 3,2g gluxit, 169mg canxi, 327mg phospho, 3,2mg sắt, các vitamin B1, B2, PP, E. Như vậy, giá trị dinh dưỡng của cá chạch cũng tương đương như nhiều loại cá nước ngọt khác, nhưng chạch được Đông y đánh giá cao hơn về bồi dưỡng sức khỏe và chữa bệnh.
Theo y học cổ truyền, cá chạch vị ngọt tính bình, tác dụng bổ khí huyết, tráng dương, thanh nhiệt, trừ thấp. Nó thường được dùng để chữa các bệnh liệt dương, suy giảm tình dục, viêm gan vàng da, mụn nhọt, lở loét, cơ thể suy nhược, mắc bệnh gan, thận mạn tính. Cách dùng chủ yếu để chữa bệnh và bồi bổ cơ thể là dưới dạng món ăn - bài thuốc.
Chữa suy giảm tình dục: Lấy 5-6 con chạch, tẩy hết mùi tanh. Mổ chạch, bỏ ruột, lọc lấy thịt, bảo toàn bộ xương. Đổ dầu vào nồi, dùng lửa nhỏ rán cho mềm xương rồi cho thịt chạch vào rán. Thêm 300ml rượu hoặc 600ml nước, một lát gừng, đun nhỏ lửa cho đến khi nước còn lại một nửa và chuyển thành màu sữa là được.
Lấy nước này, thêm muối, hạt tiêu rồi uống và ăn thịt. Dùng liên tục nhiều ngày. Người bị suy giảm tình dục, suy nhược tinh thần và thể lực, mắc bệnh gan, kém ăn, xanh xao thiếu máu... dùng món ăn này đều rất tốt.
Các món ăn bài thuốc từ cá chạch
Báo Vietnamnet dẫn lời Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, khi chế biến cá chạch, cần làm sạch nhớt bằng giấm, muối, tro bếp, phèn chua, sau đó ướp với gừng, nghệ, hạt tiêu, muối để giảm độ tanh.
Dưới đây là một số món ăn tốt cho sức khoẻ từ cá chạch bạn có thể tham khảo:
- Cá chạch nấu canh với đại táo, nêm nếm vừa miệng, cho thêm tiêu, ớt ăn hằng ngày từ 7 tới 10 hôm sẽ giảm tình trạng mẩn ngứa, thanh nhiệt, giải độc.
- Cá chạch nấu với thịt lợn thêm gừng, tiêu cho người mới ốm, suy nhược, trẻ suy dinh dưỡng. Bạn mua 100g cá chạch làm sạch, 50g thịt nạc. Nấu cá chạch cho chín nhừ rồi cho thịt lợn, nêm gia vị vừa miệng. Ăn ngày 1 lần, liên tục trong 3 tuần, nghỉ 1 tuần lại ăn tiếp. Món ăn này lặp lại trong 3 tháng liên tục sẽ giúp lưu thông khí huyết nâng cao sức đề kháng.
- Cháo cá chạch tốt cho nam giới. Bạn mua cá chạch làm sạch nhớt, loại bỏ xương, đầu cá. Lấy thịt cá xào với hành đã phi thơm cho thêm hạt lạc, xì dầu, đường, nước mắm đảo đều cho thơm, săn thịt cá lại. Gạo vo sạch nấu thành cháo. Cuối cùng, cho thịt cá xào thơm vào cháo trắng và đảo đều lên. Ăn nóng cho thêm lá hành, tiêu, ớt tùy sở thích mỗi người.
Ngoài ra, cá chạch cũng là thực phẩm cho mâm cơm thêm phong phú như chạch om chuối đậu, chạch chiên giòn với lá lốt, chạch kho tương, chạch kho riềng. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều cá chạch mà quên các thực phẩm khác.
Ngoài ra, lương y Sáng nhấn mạnh để đảm bảo sức khỏe cần ăn đa dạng thực phẩm. Khi mua cá nên mua loại tươi sống, chọn con to, khỏe. Không ăn chạch tái, sống vì loài cá này sống dưới bùn có thể nhiễm nhiều ký sinh trùng.
Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã hiểu vì sao cá chạch lại được mệnh danh là "nhân sâm dưới nước rồi phải không?". Hãy sử dụng cá chạch đúng cách để tốt cho sức khoẻ nhé.