“Giống như các loại rau thủy sinh khác như rau ngổ, rau muống nước thì rau cải xoong cũng là một nguồn lây nhiễm ký sinh trùng phổ biến”, bác sĩ Phương nói.
Theo vị bác sĩ cải xoong có thân mềm, chỉ cần nhúng vào nước sôi là rau đã mềm và sử dụng được, vì thế rất nhiều người chủ quan không đun sôi kỹ khi chế biến thành món ăn. Không ít người sử dụng cải xoong để làm nộm hoặc chần tái, nhúng lẩu ăn cho giòn, thói quen này rất nguy hiểm, khiến cơ thể dễ bị nhiễm sán lá gan lớn, có thể gây tổn thương gan.
Bác sĩ Phương thông tin, thực tế thăm khám cho thấy có rất nhiều ca bệnh ăn rau thủy sinh, trong đó có cải xoong chưa được nấu chín, bị nhiễm sán lá gan nhưng không biết.
"Nhiều bệnh nhân có thói quen ăn lẩu bằng rau cải xoong, khi rau chưa chín kỹ vớt ra ăn, ấu trùng sán lá gan chưa bị tiêu diệt theo đó vào ký sinh trong cơ thể", bác sĩ Phương chia sẻ.
Khi sán làm tổ trong gan, chúng tạo nên các ổ áp xe, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây vỡ ổ áp xe và làm gan bị tổn thương. Để đảm bảo an toàn, bác sĩ Phương chia sẻ, mọi người hoàn toàn có thể ăn cải xoong thường xuyên, nhưng khi sơ chế cần phải rửa đi, rửa lại nhiều lần. Cần tuân thủ tuyệt đối việc nấu chín ở 100 độ C từ 3 đến 5p, nếu rau nhiễm ấu trùng có thể bị nhiệt độ cao tiêu diệt trước khi ăn.