Theo anh Vinh, thị trường cũng đang bán loại kit test nhanh hiệu Trueline do Việt Nam sản xuất, giá bán sỉ khoảng 82.000 đồng/bộ, giá bán lẻ từ 100.000 - 105.000 đồng/bộ.
Anh Vinh nhận định, giá kit test nhanh đang phụ thuộc hoàn toàn vào người bán. Nếu người bán chia sẻ với người tiêu dùng, họ sẽ chấp nhận lãi ít và ngược lại. Mỗi bộ test đang được bán với giá từ 150.000 - 250.000 đồng thì dân buôn đã lãi quá đậm - anh Vinh đánh giá.
Cũng theo giới kinh doanh trang thiết bị y tế tại TPHCM, các loại kit test nhanh thịnh hành tại thành phố đang có giá sỉ dao động từ 82.000 - 96.000 đồng/bộ, tùy vào chất lượng, xuất xứ. Các loại kit test nhanh xuất xứ từ Hàn Quốc chiếm khoảng 60% thị trường, 40% còn lại có sản xuất ở Việt Nam, Trung Quốc, châu Âu.
Bộ Y tế nói gì?
Liên quan đến việc quản lý giá kit test nhanh Covid-19, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết hiện nay trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có các vật tư xét nghiệm nhanh Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, mà thông qua đấu thầu mua sắm tại cơ sở y tế. Giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường.
Để giúp các đơn vị mua sắm được đúng chủng loại, đúng giá trị, tránh hiện tượng thổi giá, đội giá thì từ năm 2020, Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai giá các trang thiết bị y tế lên cổng công khai y tế.
Giá niêm yết này là giá công ty mong muốn bán ở thị trường Việt Nam, đơn vị tự chịu trách nhiệm về điều này. Khi mua sắm, các địa phương có thể tham khảo giá trúng thầu được công khai trên cổng.
Theo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, có gần 90 loại test nhanh đang được lưu hành tại nước ta, bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu (từ nhiều nước khác nhau). Hiện giá các loại test xét nghiệm nhanh dao động từ 80.000 - 130.000 đồng, đã giảm mạnh so với tháng 8 do một số doanh nghiệp điều chỉnh giá.
Ngày 23/9, Bộ Y tế cũng đã có công văn về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19.
Tăng cường sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 nhằm tránh việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương thanh kiểm tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm.