Đáng nói, Korea Times dẫn số liệu từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cùng Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc cho thấy, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc năm 2022, tạo ra thặng dư thương mại lớn nhất cho quốc gia này.
"Việt Nam sẽ là nguồn cầu quan trọng cho các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc khi nước này vươn lên thành cơ sở sản xuất quốc tế cho các thiết bị công nghệ thông tin" - Báo cáo của BOK nhận định.
Với thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ như Samsung hay Intel đều tuyên bố có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam.
Mới đây nhất, hôm 31/5, Infineon Technologies AG - doanh nghiệp Đức chuyên về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT, đã công bố mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam và thành lập trung tâm phát triển chip điện tử ở Hà Nội.
"Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành điện tử với các khoản đầu tư kỷ lục vào ngành sản xuất trong những năm gần đây" - Ông C.S. Chua, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Infineon Technologies Châu Á - Thái Bình Dương cho hay.
Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Reuters cho biết, tập đoàn Intel đang cân nhắc bổ sung 1 tỷ USD vào dự án tại Việt Nam để mở rộng nhà máy kiểm tra và đóng gói chip.
Việt Nam có thể biến "cơn sốt chip" đang diễn ra thành một cuộc chạy marathon được lên chiến lược bài bản.
Nhìn chung, các doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) đã đầu tư hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD xây dựng nhà máy và chuyển giao công nghệ làm chip tại Việt Nam. Ví dụ, trong giai đoạn từ 2018 - 2022, Samsung đã đóng góp trên 306 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam.
Sau 15 năm, Samsung đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD. Giai đoạn 2014-2022, doanh thu của công ty này đạt 204,6 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 22,6 nghìn tỷ đồng, tích cực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Sputnik dẫn nguồn từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo trong năm 2023, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam có thể đạt con số ấn tượng 38 tỷ USD.
Năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD. Đáng chú ý, số vốn giải ngân đạt mức kỷ lục với hơn 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua .
Giới chuyên gia cho rằng, điểm mấu chốt giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới là phải tích cực đàm phán với các quốc gia mạnh về chip như Mỹ, Đức, Hàn Quốc hay Nhật Bản để đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ.
Từ đó, Việt Nam có thể tiến tới việc tự chủ hoàn toàn trong quy trình sản xuất chất bán dẫn, mở sang một trang mới cho nền công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Trong khi đó, theo đánh giá của Viện ISEAS – Yusof Ishak (Singapore), bằng cách tăng cường hệ thống đào tạo, đổi mới trong nước và xây dựng chiến lược quốc gia rõ ràng, Việt Nam có thể biến "cơn sốt chip" đang diễn ra thành một cuộc chạy marathon được lên chiến lược bài bản, qua đó đảm bảo vị trí đi đầu trong cuộc cách mạng ngành vi mạch bán dẫn.