Sau đó, chị Hoàng Anh mang túi tiền về Quảng Ninh giao cho bố và chị cũng không được bố cho biết số tiền là bao nhiêu, lý do tại sao được đưa tiền.
Khoảng 2, 3 tuần sau, chị Hoàng Anh lại được bố gọi điện bảo đến Công ty NSJ lấy đồ hộ. Lần này, chị Hoàng Anh tiếp tục được bà Tình đưa túi tiền. Vài ngày sau, chị mang về Quảng Ninh đưa cho bố cất.
Chị không biết bố mình sử dụng số tiền như thế nào, không biết là tiền gì và cũng không được bố cho số tiền nào. Cả hai lần giao nhận tiền chỉ có chị Hoàng Anh và bà Tình biết, ngoài ra không ai chứng kiến.
Lời khai của chị Hoàng Anh cũng phù hợp với lời khai nhận của bị can Vui và bà Tình.
Ngoài ra, bị can Vui còn khai lần đầu tiên nhận tiền là vào gần tết Âm lịch, cuối 2016, đầu 2017. Nga đi một mình đến phòng làm việc của Vui và trực tiếp đưa 500 triệu đồng đựng trong một túi giấy bìa cứng. Nga nói là xuống cảm ơn Vui về việc hỗ trợ giúp Công ty NSJ của Nga được tham gia thực hiện dự án.
Sau đó, cứ gần Tết Âm lịch các năm sau, Nga lại xuống Quảng Ninh, đến gặp Vui ở phòng làm việc đưa tiền cảm ơn, lần thì 1,5 tỉ đồng, lần thì 130.000 USD (khoảng 3 tỉ đồng).
Theo kết luận điều tra, quá trình thực hiện các dự án mua sắm trang thiết bị giáo dục mầm non và tiểu học 2016-2019 tại Quảng Ninh, các bị can là lãnh đạo, cán bộ Sở GD&ĐT cùng nhóm công ty NSJ vi phạm quy định đấu thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước 80 tỉ đồng.
Sau khi tạo điều kiện cho nhóm Công ty NSJ của bị can Hoàng Thị Thúy Nga trúng các gói thầu mua sắm, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh Vũ Liên Oanh được cảm ơn 14 tỉ đồng; Ngô Vui, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính được cảm ơn 14,8 tỉ đồng; Hà Huy Long, cựu Phó phòng Kế hoạch Tài chính nhận gần 2 tỉ đồng.
Các bị can này đều bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau khi điều tra bổ sung, CQĐT đề nghị truy tố thêm các bị can Oanh, Vui, Long tội nhận hối lộ, Hoàng Thị Thúy Nga bị đề nghị truy tố thêm tội đưa hối lộ.