Có chủ trương đầu tư từ năm 1994 nhưng đến nay nơi đây vẫn chủ yếu là ao cá, dừa nước
"Giờ thì tới đâu hay tới đó, chứ có nghĩ nhiều hơn cũng chẳng giải quyết được gì. Chúng tôi mong muốn dự án sớm làm để người dân ổn định cuộc sống mới. Nhà nước thu hồi đất thì chúng tôi thực hiện theo chủ trương, chính sách. Tuy nhiên, người dân mong muốn giá bồi thường phải hợp lý để bảo đảm được việc tái định cư. Được như vậy thì sự đồng thuận trong nhân dân rất cao" - ông Trương Văn Bàng nói.
Bài toán giải phóng mặt bằng
Dự án Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Rạch Chiếc được bao bọc bởi tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội.
Dự án có chủ trương đầu tư từ năm 1994 với quy mô hơn 400 ha, bao gồm các công trình thể thao đạt tiêu chuẩn Olympic - như sân vận động 50.000 chỗ để thi đấu bóng đá và điền kinh, sân thi đấu tổng hợp trong nhà, hồ bơi... Tuy nhiên, sau đó được điều chỉnh xuống còn hơn 186 ha.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 18.888 tỉ đồng, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội. Công trình được người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung kỳ vọng mang tầm cỡ quốc gia và khu vực, phục vụ nhu cầu thể dục thể thao cho cả nước, chăm lo sức khỏe, thể chất, tinh thần của nhân dân và là nơi tổ chức thi đấu các giải thể thao quốc gia cũng như khu vực. Tên công trình từng được nhắc đến nhiều khi Việt Nam nhận đăng cai ASIAD 2018 và TP HCM đề xuất đăng cai SEA Games 2021.
Về pháp lý, năm 2012, UBND TP HCM chấp thuận địa điểm thực hiện dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Năm 2021, UBND TP HCM duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm của TP Thủ Đức, trong đó có dự án khu liên hợp thể thao này.
Đến nay, TP Thủ Đức đã ban hành thông báo thu hồi đất 833/867 trường hợp; cơ quan chức năng tổ chức đo vẽ khảo sát 753/867 trường hợp. Dự án chưa được thành phố bố trí vốn bồi thường trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, dự án Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại phường An Phú có 6 hạng mục được nhà đầu tư quan tâm, đề xuất thực hiện. Tuy nhiên, để triển khai, khó khăn lớn nhất hiện nay là hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng mà công tác này chưa biết đến bao giờ.
(Còn tiếp)
"Tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 12-2022, HĐND TP HCM thông qua tờ trình của UBND TP HCM về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương. Trong đó, tạm ngừng thực hiện 17 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng.
Ngoài dự án trên, TP Thủ Đức còn nhiều dự án vướng công tác bồi thường. Có thể kể đến là dự án Công viên Khoa học và Công nghệ TP HCM tại phường Long Phước (thuộc khu chức năng Trung tâm Sản xuất ứng dụng công nghệ cao) có quy mô 302 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 24.600 tỉ đồng; dự án khu công viên - hồ điều tiết - khu dân cư Tam Phú (phường Tam Phú, Tam Bình và Hiệp Bình Chánh) có quy mô 185 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 22.900 tỉ đồng. Cả 2 dự án chưa được bố trí vốn bồi thường trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trong giai đoạn 2021-2025, TP Thủ Đức thực hiện khoảng 558 dự án với nhu cầu vốn hơn 242.000 tỉ đồng (bao gồm các lĩnh vực, trong đó có 131 dự án về bồi thường, giải phóng mặt bằng). Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, để thực hiện, nhu cầu về vốn trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư là rất lớn nhưng khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư của thành phố còn quá khó khăn.