Trước sự việc 2 học sinh nữ đánh nhau ở huyện Hòa Vang vừa qua, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cho hay, ngay sau khi sự việc xảy ra, phòng đã chỉ đạo trường trao đổi với các em học sinh để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.
Theo bà Trang, công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường đã được ngành giáo dục triển khai mạnh mẽ, trường THCS Nguyễn Hồng Ánh thường xuyên quán triệt vấn đề này với học sinh. “Tuy nhiên sự việc xảy ra ngoài nhà trường, thầy cô không nắm được để tư vấn tâm lý cho học sinh. Bên cạnh đó, yêu cầu trường động viên học sinh bị đánh để đảm bảo tâm lý, sức khỏe cho học sinh”, bà Trang cho hay.
Đối với vấn đề tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường, bà Trang cho biết, lãnh đạo huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội đã có những buổi tuyên truyền trực tiếp cho các em học sinh. Ngoài ra, công tác giáo dục và nắm bắt tâm lý của các em học sinh được chú trọng.
“Đặc biệt, các học sinh tham gia mạng xã hội, các trường đã có tổ tư vấn tâm lý cho các em học sinh, để hướng dẫn cho học sinh tránh xảy ra những trường hợp tương tự”, bà Trang thông tin thêm.
“Mái trường tích cực – Nói không bạo lực”
Cũng liên quan về vấn đề phòng chống bạo lực học đường trong thời gian qua, chị Nguyễn Thị Anh Thảo – Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho hay, trong thời gian qua, Thành Đoàn Đà Nẵng đã phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) tổ chức các lớp tập huấn các chương trình hội thi để các em đưa ra sáng kiến, ý kiến của mình nhằm tìm ra giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường, xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn.
“Trong đó, xây dựng infographic, các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền các nội dung phòng chống bạo lực học đường. Chỉ đạo Đoàn các trường thực hiện và phối hợp thực hiện đưa nội dung phòng chống bạo lực học đường vào chương trình sinh hoạt dưới cờ của Đoàn trường để kịp thời cảnh báo rút kinh nghiệm”, chị Thảo chia sẻ.
Bên cạnh đó, vận động các nguồn lực trang bị các thư viện mở để góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các em trong đó có kỹ năng phòng chống bạo lực học đường.
Cũng theo Đại diện Thành Đoàn Đà Nẵng, nhằm góp phần xây dựng đời sống học đường an toàn, lành mạnh, hỗ trợ giáo dục kỹ năng sống cho đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn TP Đà Nẵng bằng hình thức trực quan, sinh động, đồng hành với đoàn viên, thanh niên, học sinh trong phát triển tâm sinh lý và đời sống tinh thần lành mạnh. Ban Thường vụ Thành Đoàn Đà Nẵng triển khai Chuyên mục mỗi tuần “Mái trường tích cực – Nói không bạo lực” năm học 2021 – 2022.
Cụ thể, sẽ có 7 chuyên đề được triển khai thường xuyên đến học sinh, sinh viên trên toàn thành phố. Bao gồm: Chuyên đề tuần 1: Bạo lực và hành vi bạo lực học đường. Chuyên đề tuần 2: Bạo lực ngôn ngữ - con dao vô hình. Chuyên đề tuần 3: Bạo lực xã hội và bạo lực thể chất trong bạo lực học đường. Chuyên đề tuần 4: Cùng giải đáp tình huống pháp luật kỳ 1. Chuyên đề tuần 5: Bạo lực mạng – Lý do khiến chúng ta biến thành những con quái vật dùng ngôn từ làm vũ khí. Chuyên đề tuần 6: Cùng giải đáp tình huống pháp luật kỳ 2. Chuyên đề tuần 7: Diễn đàn trực tuyến Cùng chung tay xây dựng tình bạn đẹp.
“Thông qua các chuyên mục Mái trường tích cực – Nói không bạo lực, Thành Đoàn Đà Nẵng mong muốn tất cả những đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên toàn thành phố sẽ rèn luyện tốt hơn, hạn chế không để xảy ra các sự việc như bạo lực học đường trong thời gian qua.
Chúng tôi rất hy vọng thông qua các hoạt động do Đoàn Hội tổ chức sẽ giáo dục đạo đức lối sống cho thanh thiếu nhi, trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em tự bảo vệ mình đồng thời có nhận thức đầy đủ để không xảy ra bạo lực học đường", chị Thảo nhắn nhủ.