Lớp học online của cô giáo F0 tại bệnh viện

Đình Tuệ | 04/03/2022, 06:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong những ngày phải nằm viện điều trị vì nhiễm Covid-19, cô Trịnh Thị Lê Dung, sinh năm 1968 vẫn cố gắng lên lớp dạy online cho các em lớp 1E, Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mỗi tối.

Cô Trịnh Thị Lê Dung trong thời gian nằm viện vẫn miệt mài bên những giờ dạy online cho học sinh. Cô Trịnh Thị Lê Dung trong thời gian nằm viện vẫn miệt mài bên những giờ dạy online cho học sinh.

Quyết tâm bám lớp dù là F0

Tâm sự với chúng tôi, cô Lê Dung khiêm tốn cho rằng, đó là công việc thường nhật của người giáo viên. Được lên lớp giảng bài dù trực tiếp hay trực tuyến cũng là niềm hạnh phúc, say mê với cô. Đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, cô Dung hiểu hơn ai hết tâm lý của tuổi học trò, nhất là trẻ lớp 1 khi các em vừa bước ra từ bậc học mầm non.

Từ ngày 15/2, cô xuất hiện những triệu chứng như ho, mệt mỏi nên hai ngày sau phải vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở Đông Anh. Khi vào viện, các bác sĩ phát hiện nồng độ oxy trong máu của cô Dung xuống thấp, phổi có dấu hiệu bị tổn thương. Ngay tối đầu tiên, cô được chỉ định tiêm thuốc chống đông.

Sau gần 10 ngày nằm viện, ngày 26/2, sau khi có kết quả kiểm tra và tiến triển tốt, bác sĩ cho cô Dung được về nhà tiếp tục tự theo dõi và điều trị thêm. Khi nắm bắt được thông tin, Ban giám hiệu nhà trường cũng khuyên cô Dung nên tạm thời nghỉ để tập trung trị bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian ở viện, cô vẫn cố gắng và tranh thủ thời gian từ 19 giờ mỗi tối để dạy trực tuyến cho học sinh lớp mình. Và từ căn phòng nhỏ của khu điều trị nơi đây, mỗi tối vẫn vang lên từng tiếng đọc bài ê-a, tiếng cô trò cùng trao đổi cách làm toán, cách tập viết từng nét chữ.

“Lớp có 38 học sinh, mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, tính cách và mức độ tiếp thu bài không em nào giống em nào. Trẻ lớp 1 nếu lạ cô thì nhiều em sẽ sợ và mất tập trung. Trước đó, có những giờ tôi đi trông thi online lớp 1 khác mà học sinh thấy cô lạ nên có em còn quấy khóc, không chịu làm bài, cô giáo lại phải động viên, trấn an tinh thần. Vì thế, ban đầu khi nhà trường gợi ý cho tôi tạm nghỉ để bố trí giáo viên khác dạy thay, tôi không yên tâm và vẫn quyết tâm tiếp tục lên lớp online” – cô Lê Dung cho hay.

Hàng ngày, cô Dung đều được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe và nhắc nhở uống thuốc đúng giờ.

Tấm gương về sự cống hiến

Chia sẻ về đồng nghiệp, cô Nguyễn Thị Bình Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long nhấn mạnh: Cô Trịnh Thị Lê Dung có nhiều năm kinh nghiệm và gắn bó lâu dài với nhà trường. Cô là giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia từ nhiều năm nay. Với chuyên môn vững vàng, tình yêu nghề và kỹ năng sư phạm tốt nên cô được hội đồng sư phạm của trường tin tưởng và thường xuyên giao làm chủ nhiệm học sinh khối 1. Thời gian qua, dù bị nhiễm bệnh với những triệu chứng khá nghiêm trọng nhưng cô vẫn quyết tâm lên lớp để duy trì giờ học online cho học sinh là điều vô cùng đáng quý và trân trọng. Cô luôn giữ tinh thần lạc quan và biết cách truyền hứng thú học tập đến học trò nên được nhiều người quý mến.

Anh Nguyễn Đức Hiếu có con đang học lớp cô Dung bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần cống hiến của cô giáo chủ nhiệm lớp con mình. Anh cho biết: Ngay từ đầu năm học, trẻ phải học online và chưa biết mặt cô giáo cùng các bạn nên gia đình cũng khá lo lắng. Ban đầu, cháu viết rất xấu dù được bố mẹ kèm ở nhà. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn và cách truyền đạt của cô Lê Dung đến nay cháu đã tiến bộ, chữ viết đẹp hơn và rất thích tập viết, hoàn thành tất cả bài tập cô giao.

“Lúc mới nhận tin cô Dung bị F0, một số phụ huynh tỏ ra lo lắng vì sợ cô không thể dạy tiếp mà sẽ thay bằng giáo viên khác. Khi đó, học sinh sẽ lạ cô mà học hành bị ảnh hưởng. Tôi cũng trấn an các bậc cha mẹ khác rằng cô Dung vẫn lên lớp dạy online bình thường. Và trong gần hai tuần qua, cứ khoảng 19 giờ hàng ngày, cô giáo dù trên giường bệnh vẫn say sưa giảng bài bên máy tính, sách vở, bút viết để các con kịp chương trình, lòng chúng tôi cảm thấy xúc động vô cùng. Có những giờ dạy, chúng tôi còn nghe thấy tiếng y tá vào tận giường bệnh dặn dò cô uống thuốc đúng giờ nên càng mến phục tấm gương của cô hơn” – anh Hiếu nói.

Vào viện, tôi cũng chuẩn bị đủ đồ dùng cá nhân, máy tính, sách vở, bút viết để sẵn sàng lên lớp vào mỗi tối. Một khó khăn khi dạy trực tuyến trong viện là đường truyền không ổn định và hay bị ngắt quãng. Lúc đó, tôi phải dùng điện thoại phát wifi để kết nối sang máy tính, lớp học mới duy trì đều đặn. Biết được ý định của mình, các bác sĩ đã tạo điều kiện bằng việc bố trí cho tôi ở phòng riêng để thuận lợi cho việc giảng dạy online. - Cô Trịnh Thị Lê Dung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lớp học online của cô giáo F0 tại bệnh viện