“Ban đầu khi nghe nói tôi nhận nhiệm vụ dạy trẻ nhiễm HIV, nhiều người thân và bạn bè tỏ vẻ hoài nghi rồi khuyên nên suy nghĩ lại. Chẳng ai lại tự đưa mình vào vòng nguy hiểm khi hàng ngày tiếp xúc với những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Nhưng kỳ thực, với trái tim của một người mẹ cũng có con tầm tuổi đó và lương tâm của nhà giáo đã thôi thúc tôi quyết tâm bám lớp để kèm cặp, chăm sóc và dạy dỗ các em.
Chúng tôi đều được cán bộ của trung tâm tập huấn rất kỹ về các biện pháp phòng tránh phơi nhiễm HIV để giữ an toàn cho chính mình. Càng gắn bó càng thấy yêu thương các em. Học trò cũng coi các cô như người mẹ là hạnh phúc lắm rồi”, cô Thủy tâm sự.
Theo tìm hiểu, mỗi học sinh nơi đây đều là những mảnh ghép vô cùng éo le của cuộc đời. Em bị bố mẹ bỏ rơi ở đường hoặc cổng chùa, sau đó có người đem về, qua xét nghiệm bị nhiễm HIV nên đã gửi vào trung tâm cai nghiện. Các em đã thiếu may mắn khi mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo từ lúc chưa lọt lòng, nhưng lại thiệt thòi lần nữa khi vừa sinh ra đã bị người thân ruồng bỏ.
Thấu cảm trước cảnh đời ngang trái đó, các cán bộ của Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đã tiếp nhận tất cả những trường hợp để chăm sóc, dạy dỗ. Khi trẻ đủ 6 – 10 tuổi, các em được nhận vào lớp học đặc biệt để các cô giáo dạy học.
Trong tâm trí của cô Thủy và cô Hà, hình ảnh những cô cậu học trò luôn bứt rứt, chạnh lòng vào mỗi dịp Tết đến Xuân về không được người nhà lên thăm nom càng khiến các cô thêm quặn lòng. Có em hồn nhiên nói với cô: “Tết này không có ai lên đón về nhà ăn Tết nên con buồn lắm”.
Lúc đó, các cô đều nói sẽ cho về nhà cô chơi nên các em ai cũng mừng rỡ. Về nhà cô, em thì cầm chổi quét nhà, em rửa và lau lá dong, chuẩn bị gói rồi luộc bánh chưng khiến cho ngôi nhà trở nên ấm cúng lạ thường. Và cứ thế, sơi dây liên kết tình cảm giữa cô và trò tựa như tình mẫu tử dần được kết dính và ngày càng gắn bó qua năm tháng. Trẻ tâm sự với cô về ước mơ sau này hay những chuyện thầm kín cá nhân.
“Động lực giúp chúng tôi bám lớp bên trò cho đến nay chính là tình yêu thương và sự tâm huyết vì đàn trẻ thơ ngây. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn mong sĩ số lớp học sẽ ngày càng ít đi và tiến tới về 0, đồng nghĩa với việc sẽ không còn em nào bị thiếu may mắn khi phải mang trong mình căn bệnh HIV do lây nhiễm từ bố mẹ. Lứa học sinh sau khi tốt nghiệp tiểu học sẽ được định hướng học tiếp bậc THCS và cao hơn hoặc đi học nghề.
Có những em đến nay có nghề nghiệp ổn định, lấy chồng và sinh con đều khỏe mạnh. Khi các em biết cách để phòng tránh thì mọi việc đều trong tầm kiểm soát, ngay cả việc sinh con. Các em về thăm, các cô phấn khởi vô cùng, đó là món quà vô giá mà chúng tôi luôn mong ước chứ không phải là danh hiệu nọ hay thành tích kia”, cô Phùng Thị Thúy Hà chia sẻ.
Bà Phùng Thị Thúy Hường, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, trao đổi, sự đồng hành và đóng góp của hai cô giáo tại lớp học dành cho các em có hoàn cảnh đặc biệt trong nhiều năm qua vô cùng trân quý. Các cô thực hiện theo đúng chuyên môn của ngành Giáo dục, nhưng vẫn phải kiêm thêm nhiều vai trò khác để có thể quản lý, dạy dỗ học sinh. Bên cạnh đó, cán bộ tại đây thường xuyên nhắc nhở các em tuân thủ đúng phác đồ điều trị cũng như lịch uống thuốc ARV hằng ngày để ngăn chặn sự phát triển của virus HIV trong cơ thể. Cô Thủy và cô Hà là những người cống hiến thầm lặng vì cộng đồng.