Lớp học xóa mù chữ nơi vùng biên Bù Đốp

05/12/2023, 19:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhờ lớp học xóa mù chữ của lính Biên phòng, nhiều người dân sống tại thôn 7, xã Thiện Hưng huyện Bù Đốp (Bình Phước) biết đến con chữ, phép tính.

Lớp học đủ mọi lứa tuổi

Tổ Bàu Đỉa, thôn 7, xã biên giới Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước là địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, với số dân hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Địa bàn này nằm gần như biệt lập với các khu vực khác, đường sá đi lại rất khó khăn.

Người dân nơi đây đa phần là bà con dân tộc S’tiêng và kiều bào Campuchia về đây sinh sống hầu hết đều không biết chữ. Sau khi nắm bắt thực tế địa bàn, Thiếu tá Ngô Minh Đức, cán bộ đội vận động quần chúng đồn Biên phòng Bù Đốp đã đề xuất với đơn vị mở lớp mang con chữ đến với người dân nghèo nơi đây. Vì vậy tháng 11/2018 được sự đồng ý của đồn Biên phòng Bù Đốp và chính quyền địa phương lớp học xóa mù chữ ở địa bàn này ra đời.

Lớp học xóa mù chữ khai giảng năm học mới.
Lớp học xóa mù chữ khai giảng năm học mới.

Thiếu tá Ngô Minh Đức chia sẻ, tuy thành lập thành lập đến nay đã được 5 năm, tuy nhiên lớp học cũng bị gián đoạn do 2 năm dịch bệnh Covid-19.
Những năm trước, để có lớp học dạy chữ cho bà con, anh cùng đơn vị cũng như chính quyền địa phương đã mượn nhà, mượn bàn ghế, tự tay sửa sang, dọn dẹp lại để làm nơi dạy học rồi đến từng nhà vận động bà con ra lớp.

Đến năm 2021, lớp học mới được xây dựng khang trang. Đặc biệt, trong suốt quá trình lớp hoạt động đồn Biên phòng Bù Đốp cũng đã mua sắm toàn bộ sách vở, bút mực trang bị cho người học.

Thiếu tá Ngô Minh Đức tâm sự, việc khó nhất là vận động được bà con đi học. Bởi trong nếp nghĩ người già không cần phải biết chữ, người trẻ thì có tâm lý ngại ngùng, nhỏ tuổi hơn chút thì ham chơi, không hiểu được ý nghĩa của việc học.

“Thực tế vận động được bà con đến lớp đã khó, duy trì được sĩ số lớp lại khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên nhờ sự kiên trì, bền bỉ tuyên truyền, vận động, dần dần, người nọ rủ người kia và ai cũng hiểu được ý nghĩa của việc học chữ, nên lớp ngày càng đông.

Đến nay hàng tuần tôi dạy 2-3 buổi trong khoảng thời gian từ 19-21 giờ. Bà con theo học tại lớp học đặc biệt này rất chăm chỉ, giờ đây ai cũng đều biết đọc, biết viết”, Thiếu tá Ngô Minh Đức tâm sự.

Người học, người dạy kiên trì

Nhờ sự quan tâm của lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương mà những năm qua lớp học được duy trì đều đặn hàng tuần. Đúng 19 giờ, mọi người lại í ới gọi nhau đến lớp học chữ. Hiện tại có 21 học viên đang theo học ở lớp học đặc biệt này với đủ mọi lứa tuổi, có em chỉ mới 9-10 tuổi, có người đã ngoài 40, nhưng tất cả đều chung một mong muốn là biết đến con chữ, phép tính.
Điều đáng nói, dù rất bận rộn với công việc đồng áng nhưng tối đến, người dân ở tổ Tại tổ Bàu Đĩa luôn có mặt đầy đủ tại lớp học xóa mù chữ. Có nhiều gia đình, cả vợ chồng, con cái đều đi học

Thiếu tá Ngô Minh Đức chia sẻ, lớp học đủ mọi thành phần lứa tuổi, nhiều học viên vốn quanh năm chỉ quen cầm dao, cầm cuốc, bàn tay chai sần, thô ráp, nay cầm bút thấy nhiều người gượng gạo, cố gắng uốn nắn theo từng nét chữ. Dạy cho trẻ nhỏ đã khó, dạy cho người lớn còn khó hơn, nay nhớ chữ mai lại quên là chuyện bình thường. Trong quá trình dạy tôi luôn cố gắng tìm cách truyền đạt làm sao để bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Lực lượng Biên phòng vận động các mạnh thường quân tặng quà cho trẻ tại lớp học xóa mù chữ.
Lực lượng Biên phòng vận động các mạnh thường quân tặng quà cho trẻ tại lớp học xóa mù chữ.

“Điều đáng mừng là lúc đầu người dân ở tổ Bàu Đĩa, lúc đầu gần như tất cả các hộ dân đều không biết chữ, tuy nhiên nhờ việc duy trì lớp xóa mù mà đến nay đã có khoảng 70% bà con trong tổ biết đọc, biết viết”, Thiếu tá Đức phấn khởi nói.

Em Điểu Thị Na (sinh năm 2000), theo học tại lớp xóa mù chữ từ ngày đầu thành lập chia sẻ: “Ba mẹ em làm thuê, nên kinh tế rất khó khăn. Hằng ngày em theo ba mẹ đi kiếm sống nên không có điều kiện đến trường.

May mắn có lớp học xóa mù chữ của thầy Đức mà giờ đây em có thể đọc được những bài thơ ngắn, làm được những phép tính đơn giản. Thầy Đức rất tận tâm, mỗi buổi dạy đều tạo không khí vui tươi, em và mọi người đều thấy hứng khởi, thích thú trong quá trình học. Em sẽ nỗ lực học tập để sau này có cuộc sống tốt hơn”.

Bước vào năm học 2023-2024, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước còn nhiều khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã trở thành những người cha nuôi dưỡng, nâng bước nhiều em đến trường.

Thực hiện dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” và chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, bên cạnh nhận nuôi dưỡng 77 học sinh nghèo, vào dịp đầu năm học Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước còn tặng gần nhiều phần quà như: Sách, vở, quần áo, đồ dùng học tập cho các em.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lớp học xóa mù chữ nơi vùng biên Bù Đốp