Lớp học xóa mù ở Pa Búa do thầy Di đứng lớp, đồng bào chủ yếu ở độ tuổi U40, U50. Ban ngày họ còn phải lên nương, lên rẫy, tối về sau khi xong hết công việc cá nhân thường ngày xong mới đến lớp học.
Những người lớn ban đầu còn bỡ ngỡ, bối rối với bút, với vở, ngồi còn thừa chân, thừa tay, khom lưng trên những chiếc bàn ghế bé xíu của trẻ em, được sự tận tình của thầy Di, họ đã đọc được chữ, viết được tên mình.
Học viên phấn khởi khi đọc thông, viết thạo ở tuổi 40-50. (Ảnh: NT) |
Bà Vàng Thị May (bản Pa Búa), đã hơn nửa đời người chỉ biết quanh quẩn với đồi xoan, nương sắn, đây là lần đầu bà May được đến lớp học con chữ. Ở tuổi 54, bà biết viết tên mình, biết tính toán, bà May vô cùng phấn khởi.
Còn chị Thao Thị Sanh (41 tuổi) thì từ nhỏ đến giờ chưa từng rời khỏi Pa Búa bởi sợ bị lừa khi không biết đọc, biết viết. Nay có lớp học xóa mù của thầy Di, Sanh vui lắm. Nhờ thầy hướng dẫn, Sanh đã biết đọc, làm toán.
Sau mỗi khóa học xóa mù chữ, không chỉ bà May, chị Sanh, những học trò của đại uý Di đã biết áp dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống, biết mua hàng tạp hoá về bán, chuyển đổi cây trồng, từ ngô, lúa thành cây hoa quả lâu năm, khi xã gửi các văn bản thì đã biết tự đọc.
“Lúc đầu chỉ vài học viên, sau đó càng ngày càng đông, có lúc lên đến 60 người. Vui nhất là đồng bào ham học, ham hiểu biết, vẫn muốn được học thêm”, đại uý Di tâm sự.
Trong hai năm 2022 và 2023, đại úy Di cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý tham mưu mở được 2 lớp xóa mù chữ với tổng cộng 58 học viên tại bản Khằm 1 và Khằm 2. Đến nay học viên tham gia lớp học đã đọc thông, viết thạo.
Thiếu tá Hoàng Ngọc Trung, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trung Lý cho biết, đại uý Di phát huy lợi thế người địa phương, dân tộc Mông, thông hiểu địa bàn... nên vận động đồng bào rất hiệu quả.
Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, cho biết: “Trung Lý là xã khó khăn của huyện Mường Lát, địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn; cả xã có 15 bản trong đó có 11 bản người dân tộc Mông sinh sống; tỷ lệ người mù chữ cao; trình độ dân trí của người dân còn thấp; số hộ nghèo chiếm trên 57% dân số toàn xã. Trước đây bà con Pa Búa không có điều kiện đến trường nay được đại úy Di về dạy chữ bà con rất vui, tích cực đi học”.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp trong điều kiện thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại uý Hơ Văn Di vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen về thành tích trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho nhân dân trên khu vực biên giới.