TS Từ Ngữ cho biết, ngoài việc luộc rau đúng cách thì bước sơ chế rau cũng cực kỳ quan trọng, quyết định giá trị dinh dưỡng của rau. Theo đó, khi mua rau về mọi người cần nhặt lá vàng, rửa sạch. Lưu ý khi rửa rau không được vò nát rau vì các vitamin sẽ phôi ra, hòa tan trong nước.
Với một số loại rau dễ bị dập nát như mùng tơi, rau đay, rau ngót, mướp... thì không nên cắt nhỏ trước khi rửa, lúc rửa rau cũng cần nhẹ nhàng, tránh vò mạnh để hạn chế làm hao hụt chất dinh dưỡng.
Theo vị Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam, rất khó có thể phân biệt rau sạch, rau "bẩn" có hóa chất bằng mắt thường. Do vậy, để chọn rau an toàn, ông đưa ra 4 nguyên tắc:
- Ưu tiên chọn rau chính vụ sẽ hạn chế được việc dùng thuốc bảo vệ thực vật
- Ưu tiên chọn các loại rau ít sâu bệnh sẽ hạn chế được việc có thuốc trừ sâu như rau muống, rau ngót...
- Ưu tiên ăn rau củ, quả.
- Ăn đa dạng nhiều loại rau trong cùng một bữa ăn.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức tiêu thụ rau quả tối thiểu là 400g/người/ngày. Lượng rau quả này không bao gồm khoai tây và các loại củ giàu tinh bột khác để ngăn ngừa các bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư, đái tháo đường và béo phì, cũng như ngăn ngừa và giảm thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng.
WHO cũng nhấn mạnh rằng, 400g rau quả/ngày là mức khuyến nghị tối thiểu. Các quốc gia, vùng lãnh thổ có thể tùy thuộc vào đặc điểm tự nhiên, tập quán ăn uống của người dân để xây dựng các mức khuyến nghị riêng, tuy nhiên không nên dưới mức 400g/người/ngày.