Lương giáo viên: Mới bảo đảm 'an sinh', chưa trở thành 'động lực'

22/03/2024, 11:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chính sách tiền lương đối với nhà giáo tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.

Việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục còn chậm trễ, thiếu đồng bộ phụ thuộc vào chính quyền địa phương; do đó, vẫn còn tình trạng nợ, chậm trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên.

Nguồn chi trả lương đối với nhà giáo chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, chưa huy động được nguồn lực khác, biên chế đông… tạo áp lực tới chi ngân sách. Có nhiều cơ sở giáo dục phải dành trên 90% ngân sách được cấp cho chi lương. Mặt khác, sự thiếu đồng bộ trong quản lý nhân sự, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ cũng ảnh hưởng tới nguồn chi (thiếu giáo viên phải chi tăng giờ, thừa giáo viên không thuyên chuyển, tinh giản được vẫn trả đủ lương…).

Thiếu cơ chế kiểm tra thực hiện, nhất là với hệ thống ngoài công lập (nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập trả lương cho giáo viên thấp hơn lương tối thiểu vùng).

Cô trò Trường THCS Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú
Cô trò Trường THCS Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Đề xuất bảng lương, phụ cấp mới cho nhà giáo

- Vậy cần điều chỉnh như thế nào để khắc phục hạn chế, bất cập về chế độ lương của nhà giáo hiện nay?

- Trước hết, với lương của giáo viên, giảng viên: Xếp mức lương khởi điểm cao hơn 1 bậc ở khung lương đề xuất của Bộ Nội vụ (từ bậc 2) đối với giáo viên tuyển mới; nâng lên một số bậc với giáo viên, giảng viên mới tuyển dụng có trình độ cao hơn trình độ chuẩn đào tạo quy định của mỗi cấp học, đồng thời có sự phân biệt về lương đối với giáo sư và phó giáo sư.

Với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo (trình độ trung cấp) xếp vào bảng lương nhân viên và tương đương; giáo viên tiểu học, THCS trình độ cao đẳng xếp vào bảng lương cán sự và tương đương.

Khi thực hiện chuyển xếp từ bảng lương cũ sang bảng mới với giáo viên, giảng viên đang hưởng phụ cấp thâm niên, cần xem xét hoặc xếp lên thêm một số bậc lương của bảng lương mới (trên cơ sở mức % của phụ cấp thâm niên hiện hưởng khi xem xét tương quan với độ chênh giữa các bậc lương mới); hoặc cho bảo lưu phụ cấp thâm niên để tính lại lương hưu khi nghỉ chế độ. Đây cũng là giải pháp bảo toàn chế độ bảo hiểm xã hội của nhà giáo khi thực hiện chế độ tiền lương mới.

Với các loại phụ cấp (nếu có), nên tính bằng tiền để tránh tình trạng trong phụ cấp có yếu tố “thâm niên”. Chẳng hạn, phụ cấp ưu đãi, mỗi cấp học có một mức phụ cấp, tính bằng tiền trên cơ sở trung bình của mức lương cơ bản của mỗi cấp học. Cụ thể mầm non 36% (ước tính 3,4 triệu/tháng); tiểu học 30% (ước tính 3,5 triệu/tháng); THCS 29% (ước tính 3,7 triệu/tháng); THPT 29% (ước tính 3,8 triệu/tháng); đại học 29% (ước tính 4,1 triệu/tháng). Có tính đến các yếu tố giáo viên dạy hòa nhập, giảng viên sư phạm (thêm 2%)…, giảng viên bộ môn lý luận chính trị (thêm 3%).

Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề được đề xuất như trên chưa bao gồm phụ cấp cho giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với bảng lương chức vụ lãnh đạo: Lựa chọn bảng lương chức vụ dựa trên quy mô học sinh, sinh viên. Lý do: Bảng lương chung đối với cán bộ công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (kèm theo Công văn số 139/BNV-TL ngày 3/5/2019 của Bộ Nội vụ) có 28 vị trí chức vụ, chức danh; bảng phụ cấp chức vụ hiện hành đối với cơ sở GD-ĐT xây dựng có 18 mức; thiếu bảng lương vị trí chủ tịch hội đồng trường (theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, Luật Giáo dục).

Vì vậy, việc xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo đối với các cơ sở GD-ĐT có thể áp dụng vào bảng lương chung vẫn đảm bảo tương đương hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 - 1,3; chủ tịch hội đồng trường tham chiếu như lương hiệu trưởng.

Về tham chiếu mức lương chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường THCS, tiểu học, mầm non: Với quan điểm hoạt động quản lý Nhà nước khác hoạt động chuyên môn, đồng thời đảm bảo mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng, nên xây dựng bảng lương chức vụ các trường THCS, tiểu học, mầm non tham chiếu mức lương có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,3 đến 0,55.

Các vị trí không thực hiện quy trình bổ nhiệm theo các bước trong văn bản quy định của Đảng, Nhà nước như tổ trưởng chuyên môn, tổ phó chuyên môn ở trường phổ thông, mầm non không đưa vào bảng lương chức vụ như hiện hành mà thực hiện chế độ tiền lương như giáo viên và được giảm số giờ giảng dạy.

Bảng Phụ cấp chức vụ hiện hành xây dựng có 18 mức (chưa có lãnh đạo ĐHQG) và dựa trên sự phân hạng, đối với ĐH (ĐH vùng, ĐH trọng điểm và trường ĐH); với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông là hạng I - II - III (theo quy mô số lớp) không còn phù hợp.

Trong bảng lương mới, đề nghị mở rộng bậc lương để phù hợp với tất cả đối tượng đang hưởng lương, đặc biệt với viên chức ngành Giáo dục. Hiện nay, nhà giáo từ mầm non đến ĐH được xếp ở nhiều bậc với bảng lương khác nhau, từ giáo viên mầm non/tiểu học với trình độ trung cấp đến giảng viên cao cấp/giáo sư.

Tăng quy mô cơ sở giáo dục công tự chủ về tài chính và cơ sở giáo dục tư; đồng thời để các cơ sở này được phép tự xây dựng phương án chi trả lương cho cán bộ, viên chức, người lao động của cơ sở phù hợp với vị trí công việc mà giảng viên, người lao động đảm nhiệm nhưng không thấp hơn mức lương của các cơ sở đang hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước.

- Xin cảm ơn ông!

Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương (vào năm 1960, 1985, 1993, 2003). Nhờ đó, tiền lương trong khu vực công của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nói chung và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng từng bước cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương đối với nhà giáo còn nhiều hạn chế, bất cập. - Ông Trần Kim Tự

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/luong-giao-vien-moi-bao-dam-an-sinh-chua-tro-thanh-dong-luc-post675492.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/luong-giao-vien-moi-bao-dam-an-sinh-chua-tro-thanh-dong-luc-post675492.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lương giáo viên: Mới bảo đảm 'an sinh', chưa trở thành 'động lực'