Ảnh minh họa ITN. |
Theo ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), chính sách tiền lương mới nhằm thu hút giảng viên trẻ, có năng lực chuyên môn đến và gắn bó với cơ sở giáo dục. Nhưng đây không phải là nhân tố quyết định. Bởi đối với người trẻ, yếu tố để gắn bó với công tác đào tạo chính là môi trường làm việc tốt, phù hợp chuyên môn, sở thích, cơ hội phát triển, mức độ thăng tiến…
Mức thu nhập ở đơn vị Nhà nước, nhiều người đã hình dung được do đó quan trọng nhất là tạo cơ chế, môi trường để đội ngũ muốn ở lại gắn bó (thu nhập chỉ là một phần trong nhiều yếu tố cộng lại). “Hiện với tiến sĩ trẻ giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học ngoài tiền lương có thể tìm thêm các đề tài nghiên cứu. Đó cũng là một cách để tăng thu nhập cho giảng viên ngoài giảng dạy. Song chúng ta cần nhìn nhận, chính sách tiền lương mới giúp thầy cô đỡ vất vả, bôn ba khắp nơi mưu sinh, từ đó sẽ yên tâm công tác hơn”, ThS Phùng Quán nói thêm.
Tương tự, PGS.TS Trần Minh Hằng - Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, cần tạo điều kiện để các giảng viên có thu nhập tốt mới có thể toàn tâm, toàn ý công tác. Hiện giảng viên có nhiều cơ hội việc làm, phát triển; các trường đại học cũng có chế độ khuyến khích để giảng viên nghiên cứu các đề tài, bài báo để đăng trên các tạp chí uy tín được thưởng, đây cũng là cách để kiếm thêm thu nhập… trang trải cuộc sống.
Chính sách lương mới sẽ là một trong những yếu tố thu hút nhân lực trẻ có chuyên môn gắn bó với giảng dạy, cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, mức tăng này chưa đáng kể đối với giảng viên, nhất là người trẻ mới tốt nghiệp gắn bó ở lại công tác tại các trường đại học. Vì vậy, tôi mong Nhà nước, bộ ngành chủ quản của các trường đại học công lập, ngoài xây dựng chính sách tiền lương hợp lý thì tạo cho đơn vị một cơ chế để thu hút và giữ chân nhân lực trẻ ở lại. - PGS.TS Lê Minh Thống