PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin: Để bảo đảm điều kiện cần và đủ, thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng đã trúng tuyển ở vị trí cao nhất khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 20/8, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần. Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các phương thức xét tuyển phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD&ĐT hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo đó, thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý (nhập, sửa, xem) thông tin trên hệ thống. Các nguyện vọng được các em đăng ký xét tuyển vào ngành, phương thức tuyển sinh ở tất cả trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Vì thế, nếu mong muốn nhập học tại trường, ngành nào, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống, thí sinh phải đặt nguyện vọng đó ở mức ưu tiên cao nhất.
Còn đại diện Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho hay, thí sinh nộp chứng chỉ tiếng Anh chung với hồ sơ ưu tiên xét tuyển/ưu tiên xét tuyển thẳng, nhưng chưa/không khai báo thông tin chứng chỉ trên cổng thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) thì phải khai báo bổ sung trên cổng thông tin tuyển sinh của trường để làm căn cứ nhập thông tin lên cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Còn theo TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng), Quy chế năm nay quy định, các trường không được gửi giấy báo nhập học sớm. Tất cả các phương thức xét tuyển phải được thí sinh đăng ký trên cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) phải tự xác định thứ tự ưu tiên các nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Khi thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh phải ghi rõ mã phương thức tuyển sinh.
Một trong những điểm mới của tuyển sinh năm nay là, tất cả nguyện vọng đăng ký xét tuyển (theo các ngành, phương thức, cơ sở đào tạo) của thí sinh trên toàn hệ thống được từng trường xét tuyển, sơ tuyển trước (nếu cần) và đưa lên phần mềm xử lý nguyện vọng - hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (như năm 2021). Hệ thống sẽ cho kết quả thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.
Chia sẻ điều này, TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đồng thời khẳng định: Hệ thống hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể, mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau. Thí sinh không phải xác nhận nhập học trước đối với phương thức khác. Việc xác nhận nhập học trước có thể làm mất đi cơ hội được học ở trường và ngành mà thí sinh mong muốn, hoặc thí sinh phải nộp một khoản phí - phí giữ chỗ.
TS Võ Thanh Hải lưu ý, dù thí sinh đã hoàn thành việc dự tuyển vào các trường theo kế hoạch xét tuyển sớm của trường như: Xét học bạ, đánh giá năng lực... nếu đủ điều kiện trúng tuyển phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống để được xét tuyển theo quy định.