Sự đồng thuận chính trị đó phản ánh dư luận ở Anh. Theo một cuộc khảo sát do Nhóm Chính sách đối ngoại thực hiện tháng 7/2023, khoảng 68% người dân Anh ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine.
Nhiều người Anh coi cuộc xung đột ở Ukraine, nơi chỉ cách Anh 3 giờ bay, là chuyện diễn ra ngay gần thềm nhà họ, và sự ủng hộ đó phản ánh nỗi lo sợ rằng nếu Nga chiến thắng trên chiến trường Ukraine, an ninh của châu Âu và Anh sẽ bị đe doạ.
Phát biểu trước Quốc hội Ukraine đầu tháng này, ông Sunak nói rằng viện trợ quân sự là “khoản đầu tư cho an ninh tập thể của chúng ta”.
Trong một bài phát biểu ngày 24/1, Tư lệnh quân đội Anh, tướng Patrick Sanders, nói rằng người Anh hiện nay là “thế hệ trước chiến tranh”.
Đã có tiền lệ về việc Anh trấn an Mỹ khi Washington dao động trong các cuộc xung đột quốc tế. Năm 1990, khi Tổng thống George H.W. Bush đang xây dựng một liên minh chống Iraq sau khi nước này xâm lược Kuwait, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher khi đó nói với ông một câu nổi tiếng: “George, hãy nhớ rằng đây không phải là lúc để dao động”.
Vào những thời điểm khác, Anh đóng vai trò sẵn sàng hỗ trợ Mỹ. Đầu tuần này, Anh cùng Mỹ tham gia đợt không kích thứ hai nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen, chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Sunak và Tổng thống Biden.
Malcolm Chalmers, phó tổng giám đốc của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một tổ chức tư vấn ở London, cho rằng sự hợp tác của người Mỹ và Anh ở Yemen và việc Anh thúc giục Washington về vấn đề Ukraine thể hiện mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đặc trưng trong nhiều thập kỷ qua.
“Đôi khi người ta hiểu sai chính sách an ninh của Anh là chạy theo Mỹ. Anh rất coi trọng mối quan hệ với Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ không thúc ép Mỹ nếu chúng tôi cảm thấy điều đó không đúng”, ông nói.