Về tên Xuân - Hạ - Thu - Đông, ông Quang cho hay Hà Nội có khí hậu đặc trưng của miền Bắc với đủ bốn mùa nên đồ án chọn tên các mùa đặt cho 4 quảng trường. "Chúng tôi mong muốn nếu người dân và du khách đi trọn vòng hồ Thiền Quang sẽ được tận hưởng cảm giác của các mùa trong năm ở Thủ đô", ông nói.
Đồ án thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang tỷ lệ 1/500 nằm trong Đề án không gian đi bộ hồ Thiền Quang và vùng phụ cận. Sau khi cải tạo khu vực hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng sẽ mở rộng phố đi bộ quanh hồ. Hiện đã có một số hạng mục được sửa chữa, cải tạo theo đề án không gian đi bộ như cụm di tích ba chùa Thiền Quang, Quang Hoa, Pháp Hoa và nâng cấp Cung Thanh niên tại khu bán đảo, dự kiến hoàn thành trong quý III.
Quận Hai Bà Trưng đặt mục tiêu sau khi lấy ý kiến công chúng sẽ hoàn thiện đồ án để trình cấp thẩm quyền vào quý II và được thành phố thông qua năm nay.
Mô hình 3D minh họa khu vực quảng trường mùa Thu. Nguồn: UBND quận Hai Bà Trưng
Hồ Thiền Quang, từng mang tên là hồ Liên Thủy, tên tiếng Pháp là hồ Halais. Vào thời Pháp, hồ bị lấp dần để mở rộng các con phố. Đến những năm 1930, hồ mới ổn định được diện mạo như bây giờ với diện tích khoảng 5 ha.
Theo các kiến trúc sư, quảng trường là không gian công cộng không thể thiếu trong quy hoạch đô thị, với công năng làm nơi sinh hoạt chính trị, mít tinh, vui chơi, biểu diễn văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về quy hoạch, diện tích, công năng của quảng trường đối với đô thị.
Theo thống kê của Hà Nội năm 2020, diện tích quảng trường trên số dân của thành phố rất thấp, trung bình khoảng 0,02 m2 mỗi người. Thành phố hiện chỉ có một số quảng trường như: Ba Đình, Đông Kinh Nghĩa Thục, 1/5 ở cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô (trên đất nhà đấu xảo) và Cách mạng tháng Tám. Trong đó, ngoài Ba Đình, ba quảng trường còn lại đều hình thành từ thời Pháp.
Một số địa điểm có diện tích không gian công cộng lớn như Sân vận động quốc gia Mỹ Đình nhưng chưa được xem là quảng trường do chưa gắn nhiều với các hoạt động cộng đồng.