Trồng người

Lý do khiến con càng lớn càng khép kín, xa cách cha mẹ và cách cải thiện

04/08/2024 06:48

Khi con cái trưởng thành, nhiều cha mẹ bỗng giật mình cảm thấy con giống như người xa lạ, không còn gần gũi như lúc trước. Điều này khiến các bậc phụ huynh đau đầu, không hiểu vì lý do gì mà con lại "ghẻ lạnh" mình như vậy.

Thực tế lỗi lầm không phải do con ngang bướng, trái tính trái nết. Theo các nghiên cứu tâm lý xã hội, nguyên nhân của sự xa cách là do sai lầm sau đây của các bậc cha mẹ.

Cha mẹ chỉ trích con cái vô cớ

Một số cha mẹ chỉ trích con cái một cách vô cớ mỗi khi họ cảm thấy tức giận, thất vọng hoặc đơn giản là mệt mỏi. Điều này giúp họ "xả" những cảm xúc tiêu cực và che giấu những tổn thương của bản thân.

Qua nhiều năm, đứa trẻ lớn lên với tâm lý không sẵn sàng làm bất cứ điều gì tốt cho người thân của mình, vì sợ bị chỉ trích.

Một số cha mẹ chỉ trích con cái một cách vô cớ mỗi khi họ cảm thấy tức giận, thất vọng. Ảnh minh họa

Một số cha mẹ chỉ trích con cái một cách vô cớ mỗi khi họ cảm thấy tức giận, thất vọng. Ảnh minh họa

Cha mẹ luôn cho mình là đúng

Việc bất đồng quan điểm là điều bình thường trong mỗi cuộc tranh luận. Tuy nhiên với nhiều bậc cha mẹ, hễ con bày tỏ quan điểm thì đều là hành vi "cãi láo". Bố mẹ luôn cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm sống hơn con trẻ và luôn đúng trong mọi trường hợp. Ngay cả khi sai, bố mẹ cũng ngại ngần thừa nhận.

Chính sự cố chấp này khiến con cái dần trở nên xa cách và không muốn tâm sự nhiều với bố mẹ. Bởi con cảm thấy ý kiến của mình không được lắng nghe và tiếp nhận.

Cha mẹ ít quan tâm đến đời sống tinh thần của con

Một số bậc cha mẹ cho rằng chỉ cần cho con được ăn ngon, mặc đẹp thì họ chính là những bậc cha mẹ tuyệt vời. Trên thực tế, đó là sự đáp ứng nhu cầu vật chất chứ không phải tình cảm của trẻ.

Do đó, khi lớn lên, trẻ em có thể cảm thấy rằng chúng có trách nhiệm về tài chính, sức khỏe... đối với cha mẹ già, nhưng thật khó để trông đợi sự tâm lý, quan tâm từ con cái.

Cha mẹ không nhận ra con đã khôn lớn

Trong mắt nhiều bậc cha mẹ, con cái luôn bé bỏng và nhỏ dại. Họ không nhận ra con đã lớn và có những suy nghĩ trưởng thành, hướng đi riêng biệt trong cuộc sống. Nhiều người vẫn giữ mãi ấn tượng về con từ nhỏ.

Chẳng hạn khi còn nhỏ, con hơi hậu đậu và tiêu xài hoang phí. Nhưng khi trưởng thành, con cẩn trọng và biết tiết kiệm hơn, thậm chí còn trở thành một nhà quản lý tài chính.

Tuy nhiên trong mắt bố mẹ, con luôn là người hoang phí và hậu đậu. Sự lầm tưởng này khiến họ vô tình đẩy con ra xa mình.

Cha mẹ thường xuyên thúc giục con kết hôn, sinh con

Không có gì sai khi cha mẹ mong muốn con cái của họ có cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, sẽ thật tệ khi điều này trở thành nỗi ám ảnh của cha mẹ.

Những cuộc trò chuyện không dứt về việc kết hôn, sinh con không làm cho mối quan hệ giữa hai phía gần gũi hơn hay xa cách hơn.

Những bậc cha mẹ cứ khăng khăng ép con cái như vậy sẽ phải đối mặt với việc con ngại ngừng giao tiếp với họ.

Cha mẹ phớt lờ những ranh giới

Nếu muốn con cái tôn trọng mình thì chính bố mẹ cũng phải tôn trọng con cái trước. Giữa bố mẹ và con cái cũng cần có những ranh giới cá nhân.

Không ít phụ huynh thường tự ý xem nhật kí, theo dõi trang Facebook cá nhân, đọc trộm tin nhắn khiến con cảm thấy thiếu tôn trọng và bị xâm phạm quyền riêng tư.

Điều này khiến con che giấu suy nghĩ, đề phòng, cố ý tránh né bố mẹ và trốn trong phòng riêng. Sự ức chế tích tụ lâu dài khiến mối quan hệ hai bên bị ảnh hưởng nặng nề.

Nếu muốn con cái tôn trọng mình thì chính bố mẹ cũng phải tôn trọng con cái trước. Ảnh minh họa

Nếu muốn con cái tôn trọng mình thì chính bố mẹ cũng phải tôn trọng con cái trước. Ảnh minh họa

Cha mẹ "luôn luôn lắng nghe nhưng không bao giờ thấu hiểu"

Bất cứ khi nào con trình bày quan điểm, bố mẹ đều nói chen vào và không chờ đến khi con nói hết. Thay vì "Con cảm thấy như thế nào", bố mẹ lại luôn nói: "Con phải như này", "Tại sao con lại làm như vậy?". Bố mẹ luôn lắng nghe nửa vời và không thực sự thấu hiểu, trở thành một người bạn tri kỉ để con dựa vào.

Mỗi khi con muốn giãi bày, điều tốt nhất bố mẹ cần làm là im lặng lắng nghe con nói hết và tuyệt đối không xen vào mạch cảm xúc của con.

Cha mẹ không biết giữ bí mật

Việc tin tưởng tiết lộ bí mật với người lớn là một bước tiến lớn đối với đứa trẻ. Đây vừa là một phép thử về quyền lực, vừa là một cách để hỗ trợ mối quan hệ.

Tuy nhiên, nếu cha mẹ cười cợt, kể với người khác thay vì giữ bí mật, niềm tin nơi trẻ sẽ mất đi vĩnh viễn. Điều này thường dẫn đến việc trẻ không muốn nói với cha mẹ về bất cứ điều gì.

Bí quyết thu hẹp khoảng cách giữa cha mẹ và con cái

Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của con

Tôn trọng là một điều tất yếu nếu muốn gắn chặt tình cảm gia đình. Nhiều bậc phụ huynh thường chủ động gạt bỏ ý kiến của con trong mọi vấn đề, kể cả khi điều này có liên quan đến con như học tập, tình yêu hay công việc.

Điều này khiến cho chính họ cảm thấy ấm ức, tự ti, cho rằng đấng sinh thành không tin tưởng mình.

Tôn trọng là một điều tất yếu nếu muốn gắn chặt tình cảm gia đình. Ảnh minh họa

Tôn trọng là một điều tất yếu nếu muốn gắn chặt tình cảm gia đình. Ảnh minh họa

Thẳng thắn chia sẻ các vấn đề với nhau

Việc bất đồng về quan điểm giữa cha mẹ và con cái là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn gay gắt với nhau, tất cả nên ngồi lại giải quyết các vấn đề.

Thẳng thắn chính là cách đơn giản nhất để giải quyết các vấn đề, tránh để nảy sinh thêm khúc mắc lâu dài sẽ làm mọi người dần xa cách nhau.

Nếu con sai, cha mẹ cần phân tích vấn đề nhẹ nhàng để thấu hiểu, còn nếu người có lỗi là cha mẹ cũng cần nói lời xin lỗi thật lòng.

Đừng đặt ra sự so sánh

Việc cha mẹ đem con cái ra so sánh với người khác là một trong những nguyên nhân tạo ra khoảng cách trong gia đình. Rõ ràng, chính người lớn cũng cảm thấy rất khó chịu nếu bị đem ra so sánh với một ai đó, vậy tại sao lại áp đặt suy nghĩ đó lên con của mình.

Hãy để con sống thật với chính bản thân chứ không cần phải giống ai. Hơn hết khi bị so sánh hơn thua sẽ khiến con dễ cảm thấy tự tin, cho rằng mình thực sự yếu kém hơn những người khác.

Tìm kiếm những điểm chung

Chính khoảng cách về tuổi tác, suy nghĩ và quan điểm sống đã khiến cho nhiều bậc cha mẹ và con cái dần không có điểm chung. Để thu hẹp khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, hai bên cần chủ động tìm kiếm những điểm kết nối, dễ dàng nói chuyện chia sẻ với nhau hơn.

Trong thời đại hiện nay, mạng xã hội chính là cách hiệu quả nhất để phụ huynh hòa nhập, kết nối với thế giới của người trẻ hiện đại. Mặt khác, con cái cũng nên chủ động tìm hiểu, tương tác với cha mẹ nhiều hơn.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/ly-do-khien-con-cang-lon-cang-khep-kin-xa-cach-cha-me-va-cach-cai-thien-c216a1591008.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/ly-do-khien-con-cang-lon-cang-khep-kin-xa-cach-cha-me-va-cach-cai-thien-c216a1591008.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do khiến con càng lớn càng khép kín, xa cách cha mẹ và cách cải thiện