Tại Nam Bộ và TP.HCM, sấm sét xuất hiện nhiều vào thời điểm chuyển mùa, tháng 5-6 và tháng 10.
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra những vụ sét đánh chết người như ở Long An, Thanh Hóa, Nam Định...Ngoài ra, chỉ trong thời gian từ 6 đến 9 giờ sáng nay (5-6), Hà Nội xuất hiện 10.212 cú sét, trong đó hơn 7.000 lần sét đánh xuống đất.
Tương tự, 12-13 giờ trưa cùng ngày, các đám mây tích điện đã tạo ra 1.866 cú sét đánh xuống biển Quảng Ninh, khu vực gần Vịnh Hạ Long.
Sét xuất hiện nhiều vào thời điểm chuyển mùa, tháng 5-6 và tháng 10 tại Nam Bộ. Ảnh minh họa
Tia sét có thể di chuyển với tốc độ 36.000 km/s
Theo ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, sét hay tia sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hay giữa các đám mây mang các điện tích khác dấu.
Khi phóng điện trong khí quyển tia sét có thể di chuyển với tốc độ 36.000 km/s, vì sét là sự di chuyển của các ion nhưng hình ảnh của sét là do dòng plasma phát sáng tạo ra nên có thể thấy trước khi nghe tiếng động. Còn tiếng động chỉ di chuyển với tốc độ 1.230 km/h trong điều kiện bình thường của không khí còn ánh sáng đi được 299.792 km/s.
Sét đạt tới nhiệt độ 30.000°C, gấp 20 lần nhiệt độ cần thiết để biến cát silica thành thủy tinh (chỉ cần 1330°C để làm nóng chảy SiO2), những viên đá được tạo ra bởi sét đánh vào cát gọi là fulgurite (thường nó có dạng hình ống do sét di chuyển vào lòng đất).
Sét cũng được tạo ra bởi những cột tro trong những vụ phun trào núi lửa hoặc trong những trận cháy rừng dữ dội tạo ra một làn khói đặc đủ để dẫn điện.
Ông Quyết lập luận sét hình thành và nguồn gốc của nó đang còn tranh luận, các nhà khoa học đã nghiên cứu các nguồn gốc khác nhau như gió, độ ẩm, ma sát và áp suất khí quyển, các hạt tích điện trong năng lượng mặt trời.
Bên cạnh đó, các tinh thể băng trong các đám mây, có thể là yếu tố quan trọng trong việc hình thành tia sét, do nó có thể tạo ra một môi trường tích điện cực trái dấu trong các đám mây dẫn đến việc sét xuất hiện. Nhưng hầu hết các giả thuyết hình thành sét đều liên quan đến sự tích điện trong đám mây dông.
Làm gì khi có sấm sét?
Ông Lê Đình Quyết thông tin, sét xuất hiện sẽ gây ra các tác hại tĩnh điện, điện từ, nhiệt, động lực đến các đối tượng xung quanh như thiết bị kỹ thuật điện, đường dây thông tin, tín hiệu, truyền số liệu, đường dây điện lực, các phương tiện thông tin, vô tuyến điện tử và thường gây ra các thiệt hại lớn.
Tại Nam Bộ và TP.HCM, sét xuất hiện nhiều vào thời điểm chuyển mùa, tháng 5-6 và tháng 10. Tuy nhiên, những tháng trong mùa mưa, những ngày có đối lưu mạnh, buổi trưa oi bức, nắng mạnh,...cũng dễ hình thành sét.
"Cần nhớ rằng sét xuất hiện có cả dạng trực tiếp và dạng lan truyền, sét đánh có thể xảy ra bất kỳ chỗ nào, ngay cả khi đang ở trong nhà vẫn có thể bị sét đánh trúng. Chúng ta, không mở tivi, hạn chế sử dụng đồ điện, rút các phích cắm điện, không đứng cạnh cửa sổ ngóng mưa khi có sấm sét xuất hiện", ông Quyết khuyến cáo.
Ngoài ra, yếu tố bề mặt cũng góp phần tạo sét, mặt đất nếu là khu vực đất sét, có độ dẫn điện tốt, cũng dễ hình thành sét, hoặc dưới lòng đất chứa nhiều kim loại như quặng sắt, đồng, nhôm…. Cũng xuất hiện sét nhiều hơn những nơi khác.
Từ đó, ông Quyết, lưu ý: khi mưa bầu trời mây màu đen phát triển mạnh, nhiệt độ cao, cảm giác oi bức, trên trời xuất hiện những tiếng sấm, tia chớp người dân nhanh chóng tìm nơi trú tránh, tốt nhất vào những nhà xây kiên cố, tuyệt đối không tắm mưa, rửa xe,...
Khi đang trên đồng ruộng, không trú dưới gốc cây, tránh xa vật bằng kim loại, không tụ tập người, không đi lên mô đất cao, cơ thể hạn chế tiếp xúc với đất.