Bác sỹ Trầm Thế Mạt - Phó Chủ nhiệm khoa Hô hấp và Chăm sóc tích cực, tiếp nhận bệnh nhân này. Trong quá trình thăm khám, bác sỹ hỏi kỹ về tình trạng bệnh và cho làm các xét nghiệm. Xem phim chụp CT của ông Vương, bác sỹ phát hiện có những "chồi cây nhỏ" đang mọc lên từ phổi.
"Vì hình dạng của chúng kỳ dị nên tôi nghi ngờ bệnh nhân đang bị viêm phổi do nấm", bác sỹ Trầm Thế Mạt nói và tiết lộ thêm, ông Vương bị nhiễm trùng phổi và tình trạng này đã ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Khi đến bệnh viện, độ bão hòa oxy trong máu của bệnh nhân đã giảm mạnh, phải nhập viện ngay.
Sau khi nội soi phế quản cho ông Vương, bác sỹ phát hiện niêm mạc đường hô hấp của bệnh nhân bị bao phủ bởi rất nhiều mảng trắng. Kết quả xét nghiệm xác nhận ông bị nhiễm nấm Aspergillus. Xuất xứ loại nấm này là tạp chất và bụi mà ông Vương hít phải khi quét dọn mồ mả.
"Các ngôi mộ đã một năm không được quét dọn, có rất nhiều cành, lá chết, cỏ dại mọc nhiều nên tôi dọn dẹp rất lâu. Trong quá trình đó, tôi thực sự bị ngạt thở vì bụi và ho nhiều lần", ông Vương nhớ lại. Hiện tại, sau khi được điều trị khí dung và dùng thuốc chống nấm, cơn đau ngực đã thuyên giảm và độ bão hòa oxy trong máu bệnh nhân trở lại bình thường.
Bác sỹ Trầm Thế Mạt giải thích, nấm mốc thích môi trường ẩm ướt và ấm áp. Nghĩa trang quanh năm không được dọn dẹp, một lượng lớn lá rụng phủ kín mặt đất, trở thành nơi lý tưởng cho nấm mốc phát triển. Mùa xuân cũng là thời điểm nấm mốc phát triển mạnh, nhiệt độ ngày càng ấm lên cũng là mùa nấm mốc sinh sôi.
Vì thế mọi người, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, những người hay bị dị ứng, mắc bệnh tiềm ẩn hay miễn dịch kém, nên tránh xa nơi nhiều bụi, hạn chế tiếp xúc với đất ẩm nhiều lá mục, tốt nhất nên đeo khẩu trang và mặc quần áo dài khi quét dọn.