Bí quyết thi cử

"Mách nước" cách giành điểm cao môn toán tốt nghiệp THPT 2025

25/05/2025 14:10

Đề thi toán năm nay có nhiều đổi mới, giáo viên bật mí cách ôn tập đúng, trúng và giành điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Thay đổi theo hướng thực tiễn và phát triển năng lực học sinh

Chỉ còn khoảng một tháng nữa, kỳ thi THPT 2025 sẽ chính thức diễn ra. Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm thay đổi đáng chú ý trong cấu trúc đề thi.

Trong đó, môn toán là một trong những môn có nhiều điểm mới, khiến không ít sĩ tử cảm thấy bối rối, chưa biết cách ôn tập hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của đề.

Đề thi toán 2025 được thiết kế gồm 3 phần (I, II và III) với độ khó tăng dần, tập trung vào các vấn đề thực tiễn và đánh giá năng lực tư duy của học sinh. Thay vì 50 câu trắc nghiệm như trước, đề thi rút gọn còn khoảng 24 câu với hình thức trả lời đa dạng: Trắc nghiệm, đúng/sai và câu trả lời ngắn.

Mách nước cách giành điểm cao môn toán tốt nghiệp THPT 2025 - 1
Thầy Phạm Hữu Đảo, giáo viên bộ môn toán (Trường THPT Thanh Hà, Hải Dương) (Ảnh: NVCC).

Phần I (3 điểm) là 12 câu hỏi trắc nghiệm ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Phần II (4 điểm) gồm 4 câu trắc nghiệm đúng/sai, mỗi câu kèm 4 ý nhỏ được sắp xếp theo mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng.

Phần III (3 điểm) có 6 câu trắc nghiệm trả lời ngắn, tập trung hoàn toàn vào dạng bài vận dụng và vận dụng cao.

Có thể thấy, các câu hỏi nâng cao để phân hóa học sinh sẽ nằm chủ yếu ở phần II và III. Đây là những câu hỏi yêu cầu khả năng tổng hợp kiến thức gắn liền với các tình huống thực tế trong xã hội.

Em Thu Trang (THPT Lương Đắc Bằng, Thanh Hóa) cảm thấy mông lung và khó khăn trong việc ôn thi theo chương trình mới này. Em thường dễ mất điểm ở phần câu hỏi đúng/sai và phần trả lời ngắn do kiến thức rộng, có nhiều kiểu hỏi mới lạ, dễ đánh lừa học sinh.

Thu Giang (Trường THPT Minh Khai, Hà Nội) cũng có chung nỗi lo. Em cho biết, phần câu trả lời ngắn đòi hỏi vốn kiến thức rất sâu cùng khả năng phân tích dữ liệu tốt.

"Ở phần này, em gặp khá nhiều khó khăn khi không biết rút dữ liệu từ đề như thế nào. Nhiều khi tìm được dữ liệu nhưng lại không biết áp dụng ra sao vì có quá nhiều công thức", Thu Giang tâm sự.

Không chỉ học sinh, giáo viên cũng đang đối mặt với những thách thức trong quá trình đồng hành ôn thi cùng các em. Thầy Phạm Hữu Đảo, giáo viên bộ môn toán, Trường THPT Thanh Hà (Hải Dương), nhận định đề thi toán năm nay có độ khó cao hơn rất nhiều, dẫn đến cách ôn thi cũng có sự khác biệt so với những năm trước.

Giáo viên và học sinh cần nghiên cứu kỹ cấu trúc đề thi, tìm hiểu các dạng toán mới, đồng thời, bám sát vào đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố để xây dựng kế hoạch ôn luyện bài bản, hiệu quả. Không còn phù hợp với kiểu ôn chung chung, điều cần làm là sự đầu tư kỹ lưỡng vào từng chuyên đề để phát triển năng lực tư duy của các em.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Luyện đề đều đặn, nắm chắc kiến thức từng phần

Theo thầy Đảo, 12 câu đầu tiên trong đề thi là phần cơ bản nhất. Học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức là hoàn toàn có thể đạt điểm ở những câu này.

4 câu trả lời đúng/sai yêu cầu lượng kiến thức rộng hơn, các em cần đọc kỹ đề, kiểm tra tính logic của các ý và cẩn trọng khi làm để tránh sai sót không đáng có.

Về phần bài toán thực tế liên quan đến tích phân, nguyên hàm, vectơ, hình không gian... học sinh phải cố gắng rèn luyện thật nhiều các dạng bài khác nhau.

Đồng quan điểm, cô Phạm Thị Là, giáo viên bộ môn toán (Trường THPT Thanh Hà, Hải Dương) chia sẻ, đề thi năm nay tập trung vào kiến thức lớp 12 nhưng vẫn lồng ghép nội dung lớp 10 và 11. Vì vậy, cần phải luôn tìm tòi, đào sâu, học hỏi và sáng tạo trong quá trình ôn thi.

Nếu những năm trước, học sinh gặp khó khăn chủ yếu ở những bài toán liên quan đến tham số, thì năm nay, đề thi lại chuyển hướng sang các bài toán thực tiễn, yêu cầu khả năng ứng dụng cao. Điều này khiến các em vừa khó ghi điểm lại vừa dễ mất điểm.

Cô Là cho rằng, với tình hình hiện nay, học sinh nên ôn tập kỹ theo từng chuyên đề, đi từ cơ bản đến nâng cao, từ bài tập dễ đến bài tập khó để hiểu rõ bản chất thay vì học thuộc lòng. Cô cũng khuyên các em nên rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, phân tích dữ liệu và khả năng vận dụng kiến thức liên môn để làm tốt các bài toán thực tế.

Theo cô Là, mọi nội dung thi vẫn bám sát trong phạm vi chương trình học. Vậy nên, bên cạnh việc hệ thống lại kiến thức, luyện đề chính là phương pháp tốt nhất giúp các em ôn tập hiệu quả cho kỳ thi.

Cách làm này không chỉ giúp học sinh hiểu sâu kiến thức hơn, nắm được nhiều phương pháp giải mới mà còn tự rèn luyện được tư duy logic, khả năng phân tích, suy luận cũng như biết cách vận dụng những kiến thức đó vào bài toán khó.

"Chỉ khi va chạm với nhiều kiểu bài khác nhau, học sinh mới hình thành được phản xạ và tư duy tốt để linh hoạt xử lý các bài toán một cách hiệu quả", cô Là nhấn mạnh.

Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc/mach-nuoc-cach-gianh-diem-cao-mon-toan-tot-nghiep-thpt-2025-20250524161940137.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc/mach-nuoc-cach-gianh-diem-cao-mon-toan-tot-nghiep-thpt-2025-20250524161940137.htm
Bài liên quan
Chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Siết chặt an toàn, nâng cao chất lượng
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - kỳ thi đầu tiên thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đang được Bộ GD&ĐT chuẩn bị một cách bài bản, đồng bộ và toàn diện. Từ việc xây dựng ngân hàng đề thi, thử nghiệm tại các địa phương, đến công tác tập huấn, thanh tra, kiểm tra và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin... đang được triển khai theo đúng tiến độ với yêu cầu cao về chất lượng và an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Mách nước" cách giành điểm cao môn toán tốt nghiệp THPT 2025