'Mansplaining' là gì mà khiến phụ nữ trở thành nạn nhân?

30/12/2022, 11:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Kể từ khi thuật ngữ "mansplaining" xuất hiện trên mạng xã hội, mức độ phổ biến và sử dụng tăng vọt. Trong vòng 6 tháng, nó đã được đề cập ít nhất 10.000 lần trên Twitter.

Thuật ngữ "mansplaining" thịnh hành trên mạng xã hội và được nhiều người sử dụng. Ảnh: Shutterstock.

"Mansplaining" là một thuật từ ghép giữa “man" (đàn ông) và “explain" (giảng giải) ám chỉ hành động người đàn ông đưa ra lời giảng giải cho người phụ nữ mà không được yêu cầu.

Hành động này đặc trưng bởi sự tự tin của người nói, giọng điệu trịch thượng, chen vào hoặc ngắt lời, đưa ra giả định đối phương không có hiểu biết về vấn đề đó.

Thuật ngữ "mansplaining" lần đầu được biết đến trong bài luận Men Explain Things to Me (Đàn ông giải thích mọi thứ cho tôi - PV) của Rebecca Solnit vào năm 2008.

Trong đó, Solnit mô tả sự tương tác giữa một người đàn ông và phụ nữ. Anh ta cho rằng cô gái không biết gì về cuốn sách mà Solnit viết và bắt đầu “lên mặt" giải thích tiền đề và tầm quan trọng của cuốn sách. Người đàn ông này khăng khăng khẳng định bất chấp bạn của cô gái nói rằng đó là cuốn sách của cô ấy.

Trong một số ví dụ khác, một nhà thiên văn về biến đổi khí hậu được yêu cầu tìm hiểu khoa học thực tế. Tuy nhiên, một nữ phi hành gia của NASA lại bị chính nhà thiên văn này đưa ra thách thức trên trang Twitter của cô ấy về một thí nghiệm mà cô đã tiến hành trong cùng một một khu vực.

Mối liên hệ

Hiện tại, các cuộc thảo luận về "mansplaining" đang diễn ra trên mạng xã hội. Mối quan hệ của nó với kinh nghiệm nghề nghiệp của phụ nữ khiến một nhóm nghiên cứu đặt ra câu hỏi liệu "mansplaining" có xuất hiện ở nơi làm việc hay không. Nếu có, thuật ngữ này có tác động gì.

Theo Conversation, trong 20 năm qua, các hình thức bắt nạt âm thầm tại nơi làm việc đã gia tăng. Điều này đôi khi bị đổ lỗi do việc phân biệt đối xử công khai bị lên án.

Hầu hết vụ bắt nạt ở nơi làm việc ngày nay là do thiếu văn minh hoặc vi phạm các chuẩn mực xã hội, chứ không phải do các hành vi phân biệt đối xử, thù địch hoặc bạo lực một cách công khai. Bắt nạt âm thầm như thiếu tôn trọng, trịch thượng hay suy thoái đặc biệt có hại vì bản chất mơ hồ của ý định ngược đãi.

Để xác định "mansplaining" có xuất hiện ở nơi làm việc hay không, nhóm nghiên cứu đặt ra câu hỏi đã tìm kiếm trên Twitter các bài viết đề cập đến thuật ngữ này và phân tích nó.

Các phân tích đã mở rộng định nghĩa về mansplaining: Một người nào đó (thường là nam giới) đưa ra lời giải thích cho một người khác (thường không phải nam giới) khi không được yêu cầu hoặc không được hoan nghênh. Những người này thường nói với giọng điệu trịch thượng hoặc dai dẳng, bất chấp tính xác tín về kiến thức của họ.

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã khảo sát những người Bắc Mỹ đang làm việc để xem họ có từng bị "mansplaining" hay không. Nếu có, tần suất xảy ra như thế nào và người gây ra có giới tính gì.

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phần 'man' (đàn ông) trong 'mansplaining' có thực sự phù hợp hay không. Vì vậy, chúng tôi làm khảo sát với mọi đối tượng ở mọi giới tính để hỏi về những điều có liên quan đến 'mansplaining', nhưng không nêu rõ 'mansplaining' trong phần khảo sát”, nhóm nghiên cứu viết.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng "mansplaining" không chỉ là một hiện tượng mạng xã hội, nó ảnh hưởng đến mọi người trong môi trường làm việc. Gần như mọi cá nhân trong nghiên cứu (bất kể giới tính) đều trải qua ít nhất một trong các hành vi "mansplaining".

Tuy nhiên, phụ nữ và nhân viên thuộc giới tính thiểu số trải qua các hành vi "mansplaining" đặc trưng hơn với tần suất thường xuyên hơn.

Điều này cho thấy "mansplaining" có thể đại diện cho một loại hành vi khiếm nhã theo giới tính tại nơi làm việc - hình thức thô lỗ mà phụ nữ và nhân viên thuộc giới tính thiểu số thường gặp phải nhất và rất có thể do nam giới gây ra.

Thuật ngữ “mansplaining” có thể là một sự khái quát quá mức, nhưng nó dường như phản ánh chính xác trải nghiệm của phụ nữ và nhân viên thuộc giới tính thiểu số.

Kết quả, nhóm nghiên cứu cũng cho thấy “mansplaining” có tác động bất lợi đáng kể đối với các mục tiêu - giống như các hành vi thiếu văn minh tại nơi làm việc.

Mỗi trải nghiệm “mansplaining” đều có liên quan đến việc làm giảm sự hài lòng trong công việc và cam kết hợp đồng, như ý định nghỉ việc tăng lên, kiệt quệ về cảm xúc và đau khổ về tâm lý.

mansplaining anh 1

Nghiên cứu cho thấy “mansplaining” có tác động xấu tại nơi làm việc. Ảnh: Shutterstock.

“Mansplaining” không phải là xu hướng nhất thời

Nhóm nghiên cứu cho rằng các công ty không nên coi “mansplaining” là sản phẩm của sự thô lỗ trên mạng xã hội hoặc là một xu hướng nhất thời. Thay vào đó, “mansplaining” nên được hiểu là vấn đề liên quan đến thiếu lịch sự có chủ đích, trong đó, các cá nhân bị nhắm mục tiêu dựa trên danh tính của họ và khiến họ cảm thấy như họ không thuộc về nơi đó.

Sau khi được xác định là một hành vi khiếm nhã, “mansplaining” nên được giải quyết tại nơi làm việc. Các biện pháp can thiệp có hiệu quả trong việc chống lại hành vi thiếu văn hóa cũng có thể hiệu quả trong việc giảm thiểu “mansplaining”.

Xây dựng các khóa đào tạo về văn minh, tôn trọng tại nơi làm việc là một trong những cách giúp giảm thiểu hành vi thiếu văn minh và khuyến khích văn minh tại nơi làm việc.

Một hệ thống bệnh viện ở Canada áp dụng biện pháp can thiệp này và thấy cải thiện về hành vi tôn trọng, sự hài lòng trong công việc và sự tin tưởng vào ban quản lý. Trong khi đó, tình trạng kiệt sức và vắng mặt của nhân viên giảm xuống.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Mansplaining' là gì mà khiến phụ nữ trở thành nạn nhân?