Chỉ trong tháng 5/2024, Công an (CA) tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (CĐTS) trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh cơ quan CA gọi điện thoại (ĐT) cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID giả, gây thiệt hại trên 2,3 tỷ đồng.
Gọi điện thoại để giăng bẫy
Các đối tượng lừa đảo chủ yếu sử dụng hình thức gọi ĐT đến người dân, giả danh CA để "Hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID", nhưng thực chất là cài ứng dụng giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật nhằm kích hoạt tài khoản (TK), cập nhật thông tin cá nhân trên TK để CĐTS. Sau khi người dân làm theo thì ứng dụng giả mạo được cấp quyền truy cập thiết bị ở mức cao (bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân, đọc TK ngân hàng, đọc tin nhắn chứa mã OTP...), các đối tượng lừa đảo sẽ kiểm soát được ứng dụng TK ngân hàng trên ĐT của người dân, rồi thực hiện lệnh chuyển tiền để CĐTS.
Ngoài việc giả danh CA cài đặt ứng dụng VNeID, đối tượng lừa đảo còn dùng thủ đoạn thông báo cho người dân biết TK ngân hàng của họ có liên quan đến vụ án hình sự đang điều tra. Sau đó, đối tượng hướng dẫn người dân mở TK ngân hàng, đăng ký dịch vụ internet banking và cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP để đối tượng thực hiện hành vi rút tiền trong TK. Mặc dù các thủ đoạn này không mới, CA đã khuyến cáo nhiều nhưng trong thực tế vẫn còn người mắc bẫy.
Đơn cử, ngày 07/5/2024, chị L.T.T.V (SN 1982, ngụ ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, TP.Tây Ninh) bị số ĐT 0913176458 gọi đến, tự xưng là cán bộ CA xã Bình Minh, TP.Tây Ninh, yêu cầu chị V. cập nhật thông tin cá nhân để cài đặt ứng dụng VNeID theo quy định. Tiếp đó, một số ĐT khác là 0337391810 gọi cho chị V., xưng tên "Phạm Văn Đức" đang công tác tại CA tỉnh Tây Ninh, hướng dẫn chị V. cài đặt ứng dụng VNeID. Đối tượng này đã cung cấp đường link https://www.zcagov.com và chị V. truy cập vào thực hiện các thao tác quét gương mặt, quét dấu vân tay... Sau khi thực hiện xong các thao tác trên ứng dụng VNeID giả mạo thì ứng dụng Ngân hàng VPBank của chị V. không còn xuất hiện trên ĐT. Lo lắng bị mất tiền, chị V. liên hệ ngân hàng để kiểm tra thì số tiền gần 700 triệu đồng trong TK đã bị rút hết.
Lực lượng công an cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm sử dụng công nghệ cao
Trường hợp khác, ngày 08/5/2024, chị P.T.T (SN 1968, ngụ ấp Tân Trung A, xã Tân Hưng, H.Tân Châu, Tây Ninh) bị một đối tượng gọi đến tự xưng là cán bộ CA xã Tân Hưng, H.Tân Châu, thông báo chị T. đang liên quan đến vụ án hình sự xảy ra tại TP Đà Nẵng. Sau đó, đối tượng chuyển ĐT cho chị T. gặp 2 đối tượng nam khác tự xưng đang công tác tại Đội Trọng án CATP.Đà Nẵng. Các đối tượng thông báo với chị T. là có người mạo danh chị sử dụng số ĐT và căn cước công dân có địa chỉ ở P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng mở một TK ngân hàng liên quan đến đường dây tội phạm về ma tuý và rửa tiền, đã bị CATP.Đà Nẵng bắt tạm giam để điều tra. Các đối tượng yêu cầu chị T. kết bạn Facebook với một người tên là "Lê Thanh Hoài", tự xưng là Kiểm soát viên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối tượng này yêu cầu chị T. mở TK ngân hàng, đăng ký dịch vụ internet banking, nộp số tiền 1.473.000.000 đồng vào TK, cung cấp thông tin cá nhân, số TK ngân hàng mới mở, mật khẩu (OTP) cho các đối tượng. Một lúc sau, tài khoản của chị T. đã bị các đối tượng lừa đảo rút hết tiền.
Cảnh báo của cơ quan công an
Để tránh bị lừa đảo, CA Tây Ninh khuyến cáo người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân, TK ngân hàng, mã OTP cho bất cứ ai. Tuyệt đối không chuyển tiền vào TK do người khác chỉ định, không hoảng sợ khi nhận được ĐT, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ án, vụ việc... Đặc biệt không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận "phi thực tế" mà không tốn sức lao động, những lời mời chào "việc nhẹ lương cao"... Khi có người lạ kết bạn làm quen trên mạng xã hội, mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích thì không nên kết bạn, tham gia. Tự bản thân mỗi người dân cần chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: thẻ Căn cước công dân; TK ngân hàng; TK mạng xã hội... Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở xác định nội dung thì người dân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.