Góp ý về đề án, GS.TS Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu Cao cấp Về Toán (VIASM) cho rằng, cần xác định rõ mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể.
GS.TS Hồ Tú Bảo cũng chỉ ra một số thách thức trong nhiệm vụ và giải pháp. Đơn cử như trong bối cảnh kiến thức và nghề nghiệp thay đổi nhanh thì yếu tố nào để đảm bảo Hệ thống có tính bền vững, thời sự và cập nhật. Các cơ sở giáo dục Đại học có chương trình đào tạo khác nhau, không có textbook dùng chung, trình độ giáo viên, sinh viên không đồng đều... Vì vậy, phải tính đến tính khả thi, tính hiệu quả của Hệ thống.
GS.TS Hồ Tú Bảo đóng góp ý kiến tại buổi họp. Ảnh: Hoàng Vinh. |
GS.TS Hồ Tú Bảo đề xuất nên mở rộng mục tiêu và nội dung đề án ra những khía cạnh khác của chuyển đổi số giáo dục Đại học. “Chương trình đào tạo ở đại học cần được cập nhật, thêm bớt… đổi mới phương pháp dạy học là “Thay đổi”, “chia sẻ” và “dùng chung” là những keyword cốt yếu. Đề xuất Bộ GD&ĐT chủ trì phát triển một nền tảng cho quản trị, quản lý dùng cho các trường đại học. Nền tảng này giúp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nhân lực đào tạo ở bậc đại học…”, GS.TS Hồ Tú Bảo nói.
Còn PGS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thách thức đầu tiên là hiện chưa có cơ chế chính sách cho giáo dục Đại học số. Mọi quy chế hiện nay đều phù hợp với trực tuyến, trực tiếp chứ chưa có quy định cụ thể cho Đại học số. Vì thế cần phải hoàn thiện chính sách cho Đại học số.
PGS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Vinh. |
“Hạ tầng kỹ thuật và nguồn học liệu và đội ngũ giảng viên, cán bộ kỹ thuật vận hành hệ thống cũng là một thách thức của đại học số. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng hệ thống cơ chế chính sách liên quan đến Đại học số. Bộ GD&ĐT cần có những cơ chế chính sách để các cơ sở giáo dục có thể cùng triển khai chứ không nhất thiết phải thí điểm tại một số cơ sở giáo dục Đại học. Vì nếu thí điểm một số đơn vị thì vô hình chung làm chậm vấn đề này. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nguồn học liệu chung để tiết kiệm nguồn lực… Có giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ vận hành hệ thống”, PGS Mai Thanh Phong kiến nghị.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận những nhận xét, kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia tại hội nghị. Ban biên tập đề án tiếp thu các ý kiến của chuyên gia để nghiên cứu đưa vào đề án.
“Điều đầu tiên của đề án giáo dục đại học số đó là chất lượng học liệu. Sự chia sẻ nguồn học liệu trong hệ thống để sinh viên các trường đại học có thể dùng chung sẽ làm tăng giá trị và tạo sự đột phá, tác động trở lại chất lượng giáo dục đại học. Vì thế, hồn cốt giáo dục đại học số khác với Trường đại học số. Bởi trường đại học số chỉ ở mức cơ sở, nhưng giáo dục đại học số lại mang tính hệ thống”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn kết luận tại buổi họp. Ảnh: Hoàng Vinh. |
Thứ trưởng Sơn cũng lưu ý về việc phải có hệ thống theo dõi, đánh giá quá trình người học. “Chất lượng học liệu là quan trọng nhất, cùng với đó nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, phải kiểm tra, đánh giá… để mô hình vận hành phải bền vững”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.