Mẫu thẻ CCCD mới bỏ vân tay, thay đổi thông tin cư trú?

PV | 05/03/2023, 10:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) quy định việc lược bỏ vân tay, sửa đổi thông tin số thẻ CCCD, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ…

Bộ Công an đang lấy ý kiến đối dự thảo Luật căn cước công dân (sửa đổi).

Dự thảo lần này đã sửa đổi nhiều nội dung nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo đó là về nội dung thể hiện trên CCCD. Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ CCCD, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ tại Luật CCCD hiện hành thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an” để phù hợp với các nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật.

Mẫu thẻ CCCD mới: Sẽ bỏ vân tay, thay đổi thông tin cư trú? - 1

Mẫu CCCD gắn chíp hiện nay sẽ có dấu vân tay của công dân ở mặt sau. Ảnh: N. NGỌC

Cụ thể, theo quy định hiện nay tại Luật CCCD 2014, mặt trước thẻ CCCD có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ CCCD, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.

Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

Còn theo dự thảo, nội dung thể hiện trên thẻ CCCD gồm: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn; dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an”.

Như vậy với hướng sửa đổi trên, Bộ Công an sẽ ban hành Thông tư quy định về mẫu thẻ CCCD mới, thay thế cho Thông tư 06/2021 hiện nay.

Cũng tại dự thảo, Bộ Công an – cơ quan chủ trì soạn thảo đã sửa bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCD; thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ CCCD để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Ngoài ra, bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ CCCD trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật CCCD dân hiện hành.
Bài liên quan
Hà Nội phấn đấu hoàn thành cấp CCCD trong tháng 10
Các đơn vị của Công an TP Hà Nội đang tập trung lực lượng để hoàn thành mục tiêu cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử cho công dân trong độ tuổi theo quy định phấn đấu xong trước ngày 31/10.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mẫu thẻ CCCD mới bỏ vân tay, thay đổi thông tin cư trú?