Theo CNN, nhà sản xuất Eviation Aircraft của Israel cũng đang xin cấp phép cho Alice, máy bay chở được 9 hành khách, 2 phi công và có thể bay hơn 800 km sau 30 phút sạc. Chiếc phi cơ được lấy theo tên nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Alice ở xứ sở thần tiên” có tốc độ tối đa 482 km/h nhờ động cơ Magni650 640 kilowatt. Eviation Aircraft xác nhận họ đã nhận các đơn đặt hàng khoảng 160 chiếc Alice, trị giá trên 5 tỷ USD.
Nguyên mẫu đầu tiên của máy bay Alice cất cánh.
Xu thế không thể đảo ngược?
Động cơ đốt trong đã và đang thống trị ngành vận tải dân dụng suốt nhiều thập kỉ qua, nhưng ngành công nghiệp này đang đứng trước thách thức phải thay đổi. Cuộc cách mạng với phương tiện chạy điện bắt đầu chậm nhưng đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ. Tại nhiều quốc gia, xe hai bánh chạy xăng đã “lép vế” trước xe máy điện. Ôtô điện đến nay đã chiếm một phần đáng kể trong thị trường phương tiện xe cá nhân 4 bánh và thị phần đó đang lớn từng ngày. Trong năm 2022, doanh số bán xe điện (bao gồm cả xe xăng lai điện hybrid) tăng 55% trên toàn cầu, chiếm 13% tổng doanh số bán xe.
Với máy bay chạy điện, tuy chúng chưa thể chở quá nhiều hành khách và đòi hỏi hạ tầng sạc, nhưng lại có thể vận hành và bảo trì đơn giản hơn nhiều so với máy bay thông thường và trực thăng dùng nhiên liệu hóa thạch. Điều quan trọng hơn cả là chúng không hề phát thải khí nhà kính, tác nhân khiến Trái đất nóng lên mỗi ngày, khiến nó trở thành xu hướng tương lai khi nhân loại đang nỗ lực đạt mục tiêu phát thải về 0 vào năm 2050. Về giá cả, những chiếc máy bay điện sẽ rẻ hơn khi chúng được sản xuất đại trà. Giống như những chiếc flycam cách đây chừng 15 năm là những món đồ chơi lạ lẫm của người giàu, nhưng nay có thể mua được đơn giản với giá chỉ vài chục USD.
Các chuyên gia đánh giá, ở giai đoạn đầu, máy bay điện có thể cạnh tranh trực tiếp với trực thăng, phương tiện cá nhân hoặc xe tải, nhất là ở những khu vực đường sá chưa phát triển, bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết hoặc khu vực có nhiều sông, hồ vùng nông thôn Bắc Mỹ hay châu Âu. Nhờ độ linh hoạt cao, nó rõ ràng sẽ phục vụ rất tốt các hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Một khách hàng của Beta đã lên kế hoạch sử dụng CX300 thay thế trực thăng để chuyển hàng hóa và nhân viên đến các mỏ dầu ngoài khơi, còn hãng vận tải UPS muốn tiên phong sử dụng máy bay điện để vận chuyển nội tạng cấy ghép.
Kevin Michaels, Giám đốc điều hành nhà tư vấn hàng không hàng đầu AeroDynamic Advisory nhận định, ở một khía cạnh nào đó, thách thức và hứa hẹn của phương tiện hàng không chạy điện ngày nay cũng giống như ô tô vào đầu thế kỷ 20. “Bạn có hàng trăm nhà sản xuất trên khắp thế giới, tất cả đều có cách riêng để chế tạo ra những chiếc xe, nhưng lại chưa có đường sá, chưa có đèn giao thông”, ông nói. “Cuối cùng, ngành công nghiệp ô tô đã tìm được chỗ đứng. Mọi thứ ổn định sau khoảng 20 năm và nó thay đổi cách thức mọi người sống, cách thức người ta thực hiện công việc hàng ngày”.
Đón đầu xu thế đó, một số thành phố trên thế giới đã bắt đầu xây dựng hạ tầng phục vụ máy bay điện. Thị trưởng thành phố New York Eric Adams mới đây công bố kế hoạch điện khí hóa 2 sân bay trực thăng của thành phố để phục vụ phương tiện cất cánh thẳng đứng chạy điện (eVTOL). Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) khẩn trương hoàn thành hạ tầng phục vụ taxi bay điện trên 2 tuyến từ sân bay Dubai đến khu nhà giàu Palm và tuyến từ sân bay Abu Dhabi đến khu Corniche, có cùng khoảng cách 35km. Đối với những phương tiện bay chạy điện cỡ nhỏ, chúng có thể sử dụng chung hạ tầng sạc với ôtô điện, vốn đang được đầu tư rộng khắp. Volocopter, một nhà sản xuất eVTOL hàng đầu của Đức, đang tìm cách đưa dịch vụ taxi bay thương mại đầu tiên để đưa đón khách hàng vòng quanh Paris của Pháp trong Thế vận hội mùa Hè 2024. “Thế vận hội là sao Bắc Đẩu chỉ đường của chúng tôi”, Giám đốc điều hành Volocopter, Dirk Hoke nói với hãng tin Reuters.
Một báo cáo trên trang của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây đánh giá máy bay chạy bằng nhiên liệu hydro và điện có thể thực hiện từ 21% đến khoảng 38% số chuyến bay vào năm 2050. Theo công ty nghiên cứu thị trường Precedence Research, thị trường máy bay điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030 và ước tính giá trị có thể đạt gần 40 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Financial Times cho hay, các nhà đầu tư đã rót 7 tỷ USD vào phát triển eVtol.
Billy Nolan, cựu lãnh đạo Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) nhận định, một kỷ nguyên mới hoàn toàn của ngành hàng không sắp bắt đầu. “Những gì chúng ta từng nghĩ là khoa học viễn tưởng đang trở thành hiện thực. Nó đang xảy ra, nó là sự thật và các bạn sẽ sớm thấy chúng trên thị trường”, Billy Nolan bình luận.