Messi là cầu thủ đi bộ nhiều nhất World Cup 2022, hơn cả các thủ môn Yassine Bounou, Andries Noppert. Nhưng không phải đi bộ vẩn vơ, giữ sức hay chờ đồng đội đưa bóng đến. Mà anh phân tích các đối thủ, tìm ra điểm yếu và thói quen của từng người, vị trí nào tốt nhất để nhận bóng, khoảng cách giữa hai trung vệ đối phương. Rất nhiều phân tích như vậy. Những quyết định Messi đưa ra khi không có bóng giúp anh chơi tốt hơn khi có bóng.
Các HLV dễ dàng phân tích khi mổ băng, ngồi trước máy tính với đủ loại phần mềm hỗ trợ. Nhưng Messi làm điều đó ngay trong trận đấu, với bộ não của mình. Đó là sự khác biệt của anh so với mọi người. Đó là thiên tài.
Robert Moreno, người làm việc với Messi trong 3 năm với tư cách là trợ lý cho Luis Enrique ở Barca, còn thần thoại hóa Messi lên một bậc nữa. “Anh ấy giống nhân vật trong The Matrix, bạn có nhớ cảnh nhân vật đang di chuyển cơ thể và tất cả viên đạn bay chậm không? Tất cả mọi thứ đang diễn ra trong tâm trí anh ấy chậm hơn so với những gì đang xảy ra với phần còn lại của thế giới”. Nghĩa là mắt ta nhìn sự vật hiện tượng ở tốc độ bình thường thì Messi nhìn nó di chuyển ở tốc độ thấp, nên nhìn tường tận mọi thứ hơn.
Điều này nghe có vẻ hoang đường. Nhưng đó là một phần lý do để giải thích tại sao Messi lại đùa giỡn với Gvardiol và hàng trăm cầ thủ khác được như vậy? Anh có khả năng theo dõi các chuyển động vi mô trên cơ thể của đối thủ, nhằm dự đoán hướng di chuyển và đưa ra quyết định cho mình.
Nên cách đi bóng đặc trưng của Messi là đi bóng dưới tốc độ tối đa, khuyến khích đối thủ trước mặt tiến vào anh. Khi đối phương tiến vào, Leo đổi hướng, giống như một đấu sĩ bò tót, cầm miếng vải đỏ nhứ con bò lao vào, khi nó lao vào, anh chuyển hướng. Điều này một phần giải thích cho lối biến tốc của Messi đã nói ở trên. Biến tốc vừa được thực hiện bởi sự ưu việt của “phần cứng” và cũng được trợ giúp đắc lực của “phần mềm”.
Nếu Kylian Mbappe đấu một chọi một với bạn, anh ta sẽ đẩy bóng lên phía trước để bứt tốc vượt qua bạn. Bạn hoàn toàn biết ý đồ đó. Nhưng bạn không thể biết Messi sẽ làm gì tiếp theo với bạn khi quả bóng nằm trong chân anh. Khi bạn biết Leo làm gì, thì anh ấy đã ở xa bạn rồi.
Đầu óc Messi không ngừng phân tích các dữ liệu anh thu thập trên sân. |
Phần thứ ba là hệ thống thần kinh truyền tín hiệu từ “phần mềm” tới “phần cứng”. Một cách thô sơ thì ta có thể nói đó là phản xạ tự nhiên. Khi bạn nhận thức được vật gì đang đe dọa đôi mắt bạn, tay bạn sẽ đưa lên và mắt bạn sẽ khép lại.
Ở mức độ cao hơn, của một vận động viên, luyện tập nhiều cũng là nhằm đến mục đích tạo cho cơ bắp của mình trí nhớ. Tức là đưa phản xạ tự nhiên vào một loại vận động nào đó cụ thể, phục vụ một nghề nghiệp nào đó. Roger Federer khi vung vợt lên đánh trái bóng sẽ không bao giờ cần nghĩ đánh nó thế nào, cơ bắp của anh có trí nhớ để làm việc đó, không cần phải đến bộ não làm việc này.
Nhưng đối thủ của Federer đứng bên kia lưới, cách anh vài chục mét, anh có thời gian để làm tốt việc của mình. Còn đối thủ của Messi ngay trước mặt, có khi ốp sát lưng. Anh vẫn thắng được đối thủ thì có thể nói là cơ bắp của anh không chỉ có trí nhớ, mà nó có cả trí tuệ nữa.
Đó là thứ ta gọi là “trí thông minh bóng đá” (football intelligence), một thứ khác với trí thông minh mà một người bình thường có. Đó là thứ mà bạn không thể giải thích. Cũng như khi bạn được yêu cầu giải thích việc “tại sao chúng ta nói khi chúng ta nói”. Nói gồm rất nhiều thứ cộng lại: miệng, răng, môi, thanh quản, cổ họng, thần kinh, bộ não, kiến thức, ký ức,… Và không ai nói giống ai.
Tương tự như vậy, các cầu thủ bóng đá có thể làm mọi việc nhưng họ không thể giải thích tại sao họ làm được những việc đó. Messi là biểu hiện tối đa của tình huống này. Anh tìm ra những giải pháp mà người khác không thể tìm ra.