Nguyên nhân là do không có công suất dự phòng, cùng với lưu lượng nước ở các hồ thủy điện dù đã được cải thiện nhưng tăng chậm nên các hồ chứa này vẫn đang hạn chế huy động để dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo, những tình huống cực đoan có thể xảy ra.
"Việc phải điều chỉnh phụ tải, tiết giảm điện vẫn có thể thực hiện. Chúng tôi mong người tiêu dùng vẫn phải tiết giảm công suất sử dụng để đảm bảo lượng điện phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày cũng như sản xuất, kinh doanh của các nhà máy, doanh nghiệp", EVN thông tin.
Trả lời VTC News, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, trong những ngày vừa qua, lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc đã được cải thiện, mực nước hiện tại ở hồ Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát đều đã tích được cao hơn mực nước chết từ 5 đến 9m, riêng Lai Châu có hồ chứa nhỏ nên mực nước hồ cao hơn mực nước chết 19,7 m.
"Hiện tại, miền Bắc ở thời kỳ lũ sớm. Dự kiến trong thời gian tới, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục tăng và có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421-425 triệu kWh/ngày. Trong trường hợp cực đoan không có lũ về, khu vực miền Bắc có thể sử dụng lượng nước còn lại trong hồ, kết hợp với lưu lượng nước tự nhiên về các hồ để đáp ứng nhu cầu phụ tải, tuy nhiên khả năng tích nước sẽ khó khăn", ông Hòa nói.
Theo số liệu cập nhật sáng 24/6 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, phụ tải toàn hệ thống điện ngày 23/6 đạt 828,8 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 384,2 triệu kWh, miền Trung khoảng 80,9 triệu kWh, miền Nam khoảng 363,1 triệu kWh.
Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) vào lúc 15h đạt 39.757,1 MW. Cụ thể, công suất đỉnh ở miền Bắc đạt 17.468,2 MW, miền Trung đạt 4.152,8 MW, miền Nam đạt 18.319,8 MW.
"Để việc cung cấp điện được tốt hơn trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn khách hàng tiếp tục sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả", ông Hòa nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hoà, Phó Giám đốc Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình thông tin, những ngày qua, tại Hòa Bình đã có những cơn mưa lớn giúp sông, hồ được “giải khát”. Tuy nhiên, lượng nước ở hồ chứa thủy điện tăng không đáng kể.
Tính đến thời điểm chiều 23/6, lượng nước về hồ Thủy điện Hòa Bình khoảng trên 300 m3/s. Hiện tại, mực nước tại hồ là 101,6m, cách mực nước chết 22m, giảm khoảng 1m so với những ngày trước đây. Nguyên nhân là trong hai ngày nay, nhà máy đã phát tăng công suất để phục vụ nhu cầu cử dụng điện của người dân, doanh nghiệp.
"Hiện lượng nước đang về đều, các tổ máy của Thủy điện Hòa Bình vẫn hoạt động tốt. Nếu trong những ngày tới, mưa lũ tiếp tục xảy ra trên diện rộng, lượng nước sẽ về hồ nhiều, công suất phát điện tiếp tục tăng thì tình hình căng thẳng về điện sẽ giảm. Tuy nhiên, nếu nhà máy thủy điện Hòa Bình vẫn phải gánh công suất cho các nhà máy thuỷ điện khác thì chúng tôi cũng cảnh báo nguy cơ thiếu điện rất có thể xảy ra. Do vậy người tiêu dùng cũng cần phải sử dụng điện tiết kiệm, tránh tình huống xấu nhất", ông Hòa khuyến cáo.
Trong khi đó, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng, những ngày qua, tình hình cung ứng điện đã được cải thiện tích cực, tình trạng cắt điện luân phiên ở miền Bắc đã giảm rõ rệt. Nhưng tình trạng nắng nóng thời gian tới vẫn tiếp diễn. Do đó, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn điện một cách linh hoạt.
Đồng thời theo dõi, chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện tập trung ưu tiên xử lý sự cố các tổ máy; đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; tích cực bổ sung các nguồn điện năng lượng tái tạo cho hệ thống; tăng cường vận hành an toàn hệ thống truyền tải Trung - Bắc. Về phía người sử dụng cần tiếp tục triển khai chỉ thị của Thủ tướng về tiết kiệm điện.