Ông Nguyễn Tiến Hoạt - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hưng Hà nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Tuy nhiên, điểm khó khăn của địa phương này chính là vấn đề thiếu giáo viên, nhất là mầm non và tiểu học. Điều này đã làm ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Do đó, ông Hoạt đề xuất với lãnh đạo các cấp cần tiếp tục quan tâm để hỗ trợ địa phương về giáo viên cũng như kinh phí hoạt động của các nhà trường.
Không chủ quan, lơ là phòng dịch
Bà Trần Thị Bích Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, sau khi nắm bắt thực tế cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã ghi nhận sự nỗ lực của địa phương trong việc dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng dịch. Địa phương cần tiếp thu những góp ý của đoàn công tác để có các giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, tồn tại và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022, đảm bảo tốt công tác phòng dịch Covid-19.
Địa phương sẽ tiếp tục bám sát nhiệm vụ của mình, nhất là đối tượng học sinh mầm non và tiểu học vì các em chưa được tiêm chủng. Thực hiện phòng dịch trên tinh thần linh hoạt, không chủ quan và không hoang mang theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Đảm bảo an toàn, khoa học, chất lượng khi dạy học trực tiếp. Thực hiện tốt các bước xử lý khi phát hiện F0 trong nhà trường theo hướng phù hợp với thực tế.Tiếp tục tăng cường việc triển khai xã hội, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của địa phương tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đánh giá cao vai trò chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện về công tác đón học sinh đi học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng dịch. Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị, ngành giáo dục cần tiếp tục phối hợp tốt và chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương và ngành y tế trong công tác phòng chống dịch tại nhà trường.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương xác định rõ F0, nhất là sau khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ. Kịch bản ứng phó khi có F0 trong trường học cần thực hiện linh hoạt, ổn định về mặt tâm lý và không hoang mang. Công tác tiêm chủng cho học sinh các lứa tuổi cần có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Công tác truyền thông giữa nhà trường và cha mẹ học sinh cũng cần chú trọng. Phương án dạy học cũng cần được tính đến theo hướng đa dạng, chủ động để có thể áp dụng trong bất cứ tình huống nào.
"Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cũng cần được đặc biệt chú ý. Đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất phải được đồng bộ. Công tác tiêm vắc xin cho học sinh phải được tiến hành nghiêm túc theo hướng dẫn của ngành y tế. Tập huấn cho các thầy cô tại trường về chuyên môn cũng như công tác truy vết, khoanh vùng khi có F0, F1. Việc test đại trà với học sinh cũng không nên áp dụng cứng nhắc và xem xét đối tượng nào cần test mới thực hiện. Công tác phối hợp giữa ngành giáo dục với chính quyền địa phương phải thắt chặt để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình" - Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh thêm.
Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết, địa phương này đã xây dựng cơ chế phối hợp với cơ sở y tế đóng trên địa bàn về chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe cho người học. Tổ chức quản lý, theo dõi tình hình sức khỏe, bệnh tật của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên trong cơ sở giáo dục, triển khai việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo đúng quy định, hướng dẫn của ngành Y tế. Theo dõi, kiểm tra, giám sát và báo cáo thường xuyên các hoạt động y tế trường học và phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở giáo dục. Phối hợp chặt chẽ với gia đình người học trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.