Đi học lại là niềm vui của cả thầy lẫn trò, tuy nhiên do dịch bệnh nên việc dạy và học trong giai đoạn hiện nay có những khó khăn nhất định. Đặc biệt, đối với các trường có tổ chức bán trú việc giãn cách trong khi tổ chức bữa ăn cũng như bố trí cho các cháu ngủ cũng gây khó khăn do cơ sở vật chất hạn chế, không gian hẹp. Thầy cô vất vả hơn khi phải thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe của học sinh, mất thời gian để quan sát, nhắc nhở các em...
Để khắc phục những khó khăn trên nhà trường phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người. Dù khó khăn, vất vả luôn thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch. Nhà trường cần xây dựng kế hoạch, quy trình cho các hoạt động một cách khoa học, hiệu quả, phát huy sự chung tay của tất cả thành viên trong nhà trường và kêu gọi sự góp sức của phụ huynh. Luôn kịp thời tuyên dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt và phê bình chấn chỉnh các trường hợp chưa thực hiện đúng các quy định.
An toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên là tiêu chí hàng đầu trong mở cửa trường học. Nhưng cùng với đó, giải pháp để dạy học chất lượng cũng vô cùng quan trọng. Sau nửa tháng học sinh đi học trực tiếp, nhiều vấn đề nảy sinh cần giải quyết từ địa phương đến nhà trường. Trước tiên, cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trường có cán bộ y tế đầy đủ. Bởi nhiều địa phương do quy định về biên chế nên chưa có cán bộ y tế. Nếu được, cần có quy chế riêng biệt về cán bộ y tế trong trường học. Bộ Y tế cần sớm triển khai tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19 trẻ dưới 12 tuổi. Tiếp tục phối hợp giữa y tế - giáo dục - phụ huynh học sinh để hướng dẫn trẻ phòng, chống dịch, đạt hiệu quả tốt nhất.
Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh): Thầy cô nỗ lực gấp đôi
Do học trực tuyến thời gian dài, khi vào học trực tiếp một số học sinh còn bỡ ngỡ, không theo kịp bài học. Để hỗ trợ học sinh, thầy cô phải cố gắng, dành nhiều thời gian hơn để giúp các em nắm vững kiến thức, củng cố bài học.
Để bảo đảm chất lượng học tập tốt nhất khi học sinh quay trở lại trường học, nhà trường, giáo viên cố gắng vừa dạy học, vừa đảm bảo tâm lý cho các em. Thầy, cô giáo có ứng xử phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh sang chấn tâm lý khi đến trường học trực tiếp.
Quan trọng nhất là sự chủ động trong công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch an toàn học sinh trở lại học tập. Thực tế việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp sau khi học trực tuyến thời gian dài không chỉ tháo gỡ về mặt tâm lý, cảm xúc cho học sinh, mà quan trọng hơn giúp các em sớm tìm lại trạng thái học tập. Vì thế, công tác chuyên môn cần phải được thầy cô quan tâm hơn nữa, tổ chức bồi dưỡng ôn tập, đảm bảo những nội dung cốt lõi của chương trình nhằm tránh việc học sinh hổng, hụt kiến thức sau thời gian dài học trực tuyến.