Với công trình nghiên cứu, phần nhiều giảng viên các trường còn e ngại chia sẻ dữ liệu do chất lượng đôi khi chưa cao, sợ đối mặt với áp lực phản biện, cùng nhiều vấn đề phát sinh. Đối với bài giảng trực tuyến, một số trường đầu tư kỹ càng, công phu, tốn kém, nên chuyện đem cho cộng đồng “xài chùa” không thoải mái…
TNGDM tạo ra một nền tảng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giúp cơ sở giáo dục đại học khai thác tối đa tri thức của nhân loại để giảng dạy, nghiên cứu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, góp phần xây dựng xã hội học tập. Vì thế, xây dựng chính sách TNGDM cho giáo dục đại học là cần thiết và cấp bách, để giáo dục Việt Nam không đi chệch hướng với xu thế thế giới, gây cản trở và kéo lùi sự phát triển của quốc gia.
Việc Bộ GD&ĐT khẩn trương xúc tiến trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng TNGDM cho giáo dục đại học là tín hiệu tích cực cho thấy ngành đã hướng đến hoàn thiện hành lang pháp lý để xây dựng, phát triển, vận hành, khai thác, quản lý nguồn TNGDM một cách hiệu quả, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.
Để phát triển TNGDM, còn nhiều công việc phải làm trong thời gian tới, trong đó thay đổi tư duy, văn hóa từ đóng/khép kín sang tư duy, văn hóa chia sẻ/mở tri thức đặc biệt quan trọng, cần bắt đầu từ cấp quản lý. Không thể áp dụng tư duy đóng để áp dụng cho thế giới mở, vì thế, song song với chuyển động về mặt chính sách của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, sinh viên về vai trò, ý nghĩa, giá trị của TNGDM.