‘Mò kim đáy bể’ tìm cơ sở sản xuất có code xuất khẩu cua Cà Mau

18/10/2023, 08:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để tìm hiểu thực hư về quá trình “ảo thuật” thủ tục xuất khẩu cua Cà Mau, chúng tôi đã đến tận các cơ sở sản xuất của những doanh nghiệp được cấp code.

‘Mò kim đáy bể’ tìm cơ sở sản xuất có code xuất khẩu cua Cà Mau - 4

Tương tự cơ sở sản xuất của Chi nhánh Công ty Gia Thành ở Cà Mau, cơ sở sản xuất của 3 doanh nghiệp này cũng chỉ là những nhà kho được dựng bảng hiệu, không có dấu hiệu hoạt động.

Còn tại Hóc Môn (TP.HCM), cơ sở sản xuất của Chi nhánh Công ty TNHH dịch vụ vận chuyển quốc tế Hoàng Anh bề thế hơn so với những doanh nghiệp nêu trên. Trong hơn một tuần “nằm vùng” tại đây, chúng tôi ghi nhận nhiều xe tải chở rau củ ra vào công ty này.

Thế nhưng, tuyệt nhiên không có mặt hàng cua.

“Đây chủ yếu làm rau củ quả đi xuất khẩu, có cả cua với lươn nữa nhưng cua với lươn tuần chỉ làm được một buổi, hầu như không làm”, bảo vệ của Công ty Hoàng Anh nói với chúng tôi.

Trong khi đó, tài liệu của chúng tôi nắm được cho thấy, mỗi ngày, Công ty Hoàng Anh vẫn đều đặn xuất hàng tấn cua Cà Mau qua biên. Để lý giải sự vô lý này, chúng tôi đã quay trở lại Cà Mau.

‘Mò kim đáy bể’ tìm cơ sở sản xuất có code xuất khẩu cua Cà Mau - 5

Dọc quốc lộ 1A (địa phận huyện Cái Nước, Cà Mau), cứ vào khoảng đầu giờ chiều, các vựa cua lớn trên tuyến đường này lại bắt đầu nhiều người ra vào. Trong số đó, phần lớn là các lái buôn chuyên gom của của người dân ở vuông đầm, họ mang cua đến nhập cho chủ vựa.

Tại vựa cua mà theo lời của ông chủ tầm 40 tuổi là “không thích treo bảng hiệu”, cua được lái buôn mang đến liên tục. Nhận cua từ lái buôn, các nhân công ở vựa sẽ lập tức buộc càng, phân loại kích cỡ và sắp gọn gàng vào các thùng xốp.

‘Mò kim đáy bể’ tìm cơ sở sản xuất có code xuất khẩu cua Cà Mau - 6

Sau khi cân đo, trọng lượng từng thùng hàng sẽ được nhân công của vựa dùng bút lông ghi trực tiếp lên thùng. Ở khâu cuối cùng, nhân công sẽ đánh dấu mã số công ty (2ZH22 - mã số hàng của Công ty Hoàng Anh) lên từng thùng hàng.

Đến 21h, 18 thùng hàng (mỗi thùng 25 kg, giá khoảng 10 triệu đồng/thùng) đã được nhân công của vựa sắp gọn gàng chờ xe tải (trọng tải 15 tấn) đến bốc. Sau khi bốc xong ở vựa này, xe tải tiếp tục ghé các vựa khác để bốc hàng.

Theo chủ vựa cua này, đó cũng chính là quy trình mà hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cua Cà Mau hiện đang làm. Còn về nguồn hàng, người này không ngần ngại tiết lộ: “Mùa này cua ít lắm, lái gom ở đâu cũng được, gom về đây chúng tôi nhận hết”.

Thông tin này trùng khớp với các khảo sát thực tế của chúng tôi thời gian qua. Hầu hết cua Cà Mau đều được gom tới vựa, sau đó liên tục hành trình vận chuyển qua biên giới mà không hề ghé cơ sở sản xuất.

Những trùm cua Cà Mau mà chúng tôi nhắc ở các kỳ trước, chính họ là chủ các lô hàng cua sau khi gom từ người dân. Dù rất muốn “đường đường chính chính” xuất cua theo đúng thủ tục, thế nhưng “ải” xin cấp code khó qua, họ buộc phải thuê code.

Như vậy, sự vô lý mà chúng tôi thắc mắc đã được lý giải: Các vựa cua hiện đang làm thay các công việc của các cơ sở sản xuất. Khâu kiểm tra kích cỡ, đóng gói được đã được các vựa “gánh”, còn khâu kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm hiện chưa có giải đáp.

‘Mò kim đáy bể’ tìm cơ sở sản xuất có code xuất khẩu cua Cà Mau - 7

Trả lời VTC News, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng NAFI - cho biết, đối với mặt hàng cua, trước khi xuất khẩu (bất kể tiểu ngạch hay chính ngạch) đều bắt buộc phải đưa vào cơ sở sản xuất để kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Theo ông Hòa, mặt hàng cua hiện vẫn chưa có mã vùng mà chỉ có mã cơ sở đóng gói. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu cua đều phải có cơ sở sản xuất được cấp mã của Tổng cục Hải quan.

“Cơ sở đóng gói đó để được cấp mã là đã được NAFI kiểm tra, đánh giá đủ điều kiện và gửi cho Hải quan nước nhập khẩu thông qua. Nói tóm lại, muốn xuất khẩu cua là phải đưa vào cơ sở đã được cấp mã số để dịch, kiểm tra, dán nhãn ghi rõ mã số cơ sở nào, cua vùng nào… đạt yêu cầu thì mới được cấp chứng thư để xuất khẩu”, ông Lê Thanh Hòa nói.

Như vậy, dù có cơ sở sản xuất nhưng công đoạn đưa cua vào để kiểm dịch, kiểm tra ATTP đều bị các doanh nghiệp trên cắt bỏ. Câu hỏi được đặt ra, phải chăng cơ sở sản xuất chỉ là những “tấm màn” được các doanh nghiệp lập ra để qua mặt cơ quan chức năng nhằm hợp thức điều kiện xuất khẩu? Vậy, sự thật đằng sau những mã code được NAFI cấp là gì?

>>> Kỳ 4: Cơ sở sản xuất cua Cà Mau 'cửa đóng then cài' bỗng chốc 'lột xác'>>

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/mo-kim-day-be-tim-co-so-san-xuat-co-code-xuat-khau-cua-ca-mau-ar815760.html
Copy Link
https://vtc.vn/mo-kim-day-be-tim-co-so-san-xuat-co-code-xuat-khau-cua-ca-mau-ar815760.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Mò kim đáy bể’ tìm cơ sở sản xuất có code xuất khẩu cua Cà Mau