Mở rộng biên độ sáng tạo cho giáo viên

29/08/2023, 07:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với mỗi giáo viên việc xây dựng Giáo án, nay gọi là Kế hoạch bài dạy là những việc đầu tiên và quan trọng nhất trong thực hiện chương trình mới.

Trong những năm gần đây việc đổi mới phương pháp dạy học luôn luôn được ngành Giáo dục quan tâm điều đó cũng giúp giáo viên không ngừng đổi mới đề đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nhất là từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Mở rộng biên độ sáng tạo cho giáo viên ảnh 1
Hoàng Thị Thu Hương, học sinh Trường THPT Đồng Đậu, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) giành giải Nhất môn Ngữ văn Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023. Ảnh: INT

Đặc thù của môn Ngữ văn

Đối với môn Ngữ văn, việc xây dựng Kế hoạch bài dạy ngoài việc đáp ứng những yêu cầu chung của một giáo án theo quy định chung của Bộ, mỗi giáo viên khi xây dựng giáo án của mình cũng cần chú ý đến đặc thù của bộ môn.

Khi xây dựng chương trình Ngữ văn 2018 các chuyên gia đã chỉ rõ mục tiêu của môn học là; Môn Ngữ văn giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; có tình yêu đối với tiếng Việt và văn học; có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và khả năng hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học: Rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; có hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về tiếng Việt và văn học, phát triển tư duy hình tượng và tư duy logic, góp phần hình thành học vấn căn bản của một người có văn hoá; biết tạo lập các văn bản thông dụng; biết tiếp nhận, đánh giá các văn bản văn học nói riêng, các sản phẩm giao tiếp và các giá trị thẩm mĩ nói chung trong cuộc sống.

Ví dụ khi xây dựng giáo án bài Tấm lòng người mẹ, sách giáo khoa Ngữ văn 11 (bộ Cánh diều) trước tiên giáo viên cần xác định rõ mục tiêu giúp học sinh nhận biết, phân tích và đánh giá được một số yếu tố về nội dung (đề tài, chủ đề chính và chủ đề phụ, tư tưởng, các giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh…) và hình thức (câu chuyện, sự kiện, nhân vật, chi tiết quan trọng, không gian, thời gian, người kể chuyện toàn tri, sự thay đổi điểm nhìn) của văn bản truyện.

Sau đó học sinh có thể hiểu và phân tích được nhận vật trong truyện, hiểu được giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc mới mẻ của tác phẩm, rồi đến các năng lực đặc thù và hình thành phẩm chất ở học sinh. Từ đó giáo viên xây dựng cách thức tổ chức hoạt động cho phù hợp, hiệu quả, phát huy tích cực của học sinh.

Khi xây dựng Kế hoạch bài dạy môn Ngữ văn, chúng tôi kì vọng các bộ sách giáo khoa tới đây cần được thẩm định một cách kỹ lưỡng để đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục nhằm phát huy tính tích cực của học sinh trong việc chiếm lĩnh tri thức cũng như tránh được tình trạng văn mẫu tràn lan hiện nay.

Hoạt động dạy và học theo chương trình mới cũng cần tránh những kiến thức hàn lâm, kinh viện mà cần gắn với đời sống thực tế, sự thay đổi và phát triển của xã hội, nhất là giúp học sinh tạo lập được những văn bản cần thiết phục vụ cho cuộc sống của đa số học sinh, sau đó mới hướng tới những học sinh có năng lực văn chương, có khả năng thẩm bình văn học để các em có cơ hội phát triển theo con đường văn học sau này.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng rất cần những tư liệu văn học liên quan đến tác giả, tác phẩm đang được học cũng như những nhận định, đánh giá về các tác giả, tác phẩm đó để giáo viên, học sinh có điều kiện mở rộng hơn từ những vấn đề ngoại văn bản.

Nhất là với những tác phẩm mới đưa vào chương trình Ngữ văn 11 như: Nỗi niềm tương tư, Tấm lòng người mẹ, (bộ Cánh diều), Tú Uyên gặp Giáng Kiều, Người ngồi đợi trước hiên nhà (bộ Chân trời sáng tạo), Cải ơi, Nàng Ờm nhắn nhủ (bộ Kết nối tri thức).

Để làm được điều này các nhà soạn sách cần bám sát mục tiêu của chương trình tổng thể, nâng cao tính khoa học, chuyên nghiệp trong việc biên soạn chương trình đồng thời lắng nghe những ý kiến đóng góp của dư luận, nhất là các nhà khoa học, các nhà giáo.

Nhà nghiên cứu Phạm Thành Hưng cho rằng: “Tiếp nhận văn bản văn chương là một quá trình tạo nghĩa cho văn bản. Bài thơ, cuốn sách như một điểm xuất phát, một kích thích ban đầu, thậm chí “tác phẩm chỉ thực sự tồn tại, ra đời khi nó được đọc”. Mỗi cá nhân độc giả có một “chân trời đón đợi” riêng trước tác phẩm văn chương, để văn bản của tác giả được tái tạo, chế biến lại thành một thế giới nghệ thuật mới, của riêng mình”.

Có thể nói xây dựng Kế hoạch bài dạy là một khâu quan trọng trong hoạt động dạy học, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong khi thực hiện chương trình mới nhưng chúng tôi luôn luôn tin tưởng ngành Giáo dục sẽ vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm học mới.

Công văn 5512 đã nêu rõ các bước chung nhất trong xây dựng Kế hoạch bài dạy cho nhiều cấp học và đã thực hiện trong những năm qua, ở từng địa phương cũng đã có sự linh hoạt trong vận dụng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tuy nhiên, mỗi giáo viên cũng cần xác định vấn đề cơ bản nhất của một Kế hoạch bài dạy là mục tiêu bài học và cách thức tổ chức dạy học để đạt mục tiêu ấy. Để xác định được điều đó đòi hỏi giáo viên phải nắm bắt được yêu cầu cần đạt của bài học.

Mục tiêu phải được cụ thể, phải trả lời được câu hỏi học sinh làm được những gì (chiếm lĩnh được gì và dựa vào đâu để vận dụng được gì) sau bài học. Giáo viên cần bám sát chương trình môn học, nghiên cứu, tìm tòi bài học một cách nghiêm túc, hơn nữa phải căn cứ vào các điều kiên thực tế ở địa phương, trường lớp mình giảng dạy và quan trọng nhất vẫn là đối tượng học sinh cụ thể của từng lớp mình dạy để thiết kế những Kế hoạch bài dạy chất lượng.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/mo-rong-bien-do-sang-tao-cho-giao-vien-post651771.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/mo-rong-bien-do-sang-tao-cho-giao-vien-post651771.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở rộng biên độ sáng tạo cho giáo viên