Cẩn trọng với chiêu trò của môi giới
Chia sẻ với Tiền Phong, môi giới N.V.T (37 tuổi) cho biết, hiện nay không hiếm môi giới dùng chiêu trò “lướt sóng” để ăn lợi nhuận bằng cách chỉ đặt cọc với chủ nhà, chủ đất sau đó rao bán lại, khi có khách mua thì họ sang tay ngay để ăn chênh lệch.
Thậm chí, những môi giới này còn lập ra các Fanpage, hội nhóm mạng xã hội và website chuyên rao bán nhà, đất rồi thay phiên nhau rao bán nhà, đất ở mức giá cao. Để những thông tin này chân thực hơn, các môi giới còn liên kết với nhau để tự tương tác, bình luận khen ngợi về mảnh đất, căn hộ hoặc tự tạo ra các giao dịch mua bán BĐS ảo nhằm “lòe” người mua không có kinh nghiệm.
Hay như việc khi cần rao bán một dự án nào đó, môi giới sẽ tung chiêu liên tục đăng tải bài viết trên các phương tiện mạng xã hội để tạo hiệu ứng kích cầu , cho khách hàng thấy rằng khu vực này đang “sốt”, từ đó thu hút người quan tâm.
“Dĩ nhiên, môi giới là nghề trung gian, thu nhập từ việc ăn phần trăm lợi nhuận chênh lệch trong các giao dịch nhà, đất nhưng mức chênh lệch ấy cần phù hợp, không nên quá cao so với thị trường, khiến người mua mất dần lòng tin”, môi giới N.V.T bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (VARS) cho rằng, việc môi giới tung chiêu hô hào thị trường BĐS đã "ấm" lên từ trước đến nay không phải hiếm, thường xuyên diễn ra nhằm tạo sóng ảo. Ông Đính chỉ rõ, có những nhóm môi giới, chủ nhà và cả chủ đầu tư còn bày trò "bắt tay" mua bán, đưa ra công chứng để tạo giao dịch ảo, "tay trái" bán sang "tay phải".
Vì thế, ông Đính khuyên người mua nhà, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới bất động sản để tránh rơi vào tình trạng mất thêm tiền hay bị "kẹp" hàng, nhất là trong lúc thị trường còn nhiều khó khăn như hiện tại.
Trong khi đó, môi giới H.H (45 tuổi, TP HCM) tiết lộ, môi giới hay có quy tắc chung là với các dự án căn hộ chung cư, tỷ lệ mất giá sau 3 -4 năm sử dụng rơi vào khoảng 20%. Trên 5 năm sẽ cộng dồn tỷ lệ khấu hao và tùy thuộc vào quy định của từng sàn.
Ví dụ, khách hàng muốn mua một căn hộ với giá 2 tỷ đồng. Trong vòng 4 năm, gia chủ muốn bán lại, bên môi giới sẽ trừ đi 20%, tức là 400 triệu đồng. Sang năm thứ 5 mới muốn bán thì tỷ lệ khấu trừ sẽ là 22-23%, tùy thỏa thuận. Đáng chú ý, với các căn hộ ở dự án chưa có sổ hồng, mức khấu hao sẽ tăng lên, rơi vào khoảng 25 – 35% để môi giới có thể ép giá với gia chủ.
Do đó, môi giới H.H cho rằng, nếu khách hàng muốn mua sát giá nhà nhất , thì nên tự tìm hiểu, khảo sát và so sánh giá nhà với các căn hộ tương tự ở cùng dự án, nếu thấy mức giá chênh quá cao so với giá mà môi giới đưa ra thì họ nên tránh mua, hoặc có mua cũng nên chủ động tự giao dịch hoặc tìm đơn vị môi giới có tâm hơn…