Nước này đã cung cấp hào phóng cho Ukraine các loại vũ khí và khí tài quân sự đồng thời trở thành một trung tâm hàng đầu cho việc vận chuyển hàng tiếp tế chiến tranh từ các nơi khác. Ngoài ra, sự hiện diện dày đặc của lính đánh thuê nói tiếng Ba Lan chiến đấu cho Kiev đã nhiều lần được báo cáo từ tiền tuyến.
Tuy nhiên, mối quan hệ dường như đang phát triển tốt đẹp giữa Ba Lan và Ukraine đã bị sứt mẻ nặng nề bởi một cuộc tranh cãi gay gắt về sản phẩm nông nghiệp. Đầu năm nay, Ba Lan và các quốc gia Đông Âu khác đã phải hứng chịu các cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân - những người kêu gọi cấm vận các sản phẩm rẻ hơn của Ukraine, vốn đã gây thiệt hại cho các thị trường địa phương.
Tình hình đã tạm thời được xoa dịu bởi EU sau khi liên minh này đưa ra 'những hạn chế tạm thời' đối với hàng xuất khẩu của Ukraine vào tháng 5 để bảo vệ nông dân ở 5 quốc gia gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia, Rumani và Bulgaria. Tuy nhiên, biện pháp trên không cấm quá cảnh các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus mới đây tuyên bố sẽ đơn phương cấm vận các sản phẩm của Ukraine nếu EU không gia hạn các biện pháp hạn chế sẽ hết hạn vào ngày 15/9. Trong cuộc họp báo diễn ra hồi tuần trước, Bộ trưởng Robert Telus công khai khẳng định Ba Lan sẽ bảo vệ lợi ích của chính mình hơn là của Ukraine. Bộ trưởng Telus cảnh báo: “Tôi muốn nói rõ rằng sau ngày 15/9, ngũ cốc của Ukraine sẽ không được vận chuyển đến Ba Lan”.
Năm quốc gia nói trên hồi tháng trước đã kêu gọi EU gia hạn lệnh cấm cho đến ít nhất là cuối năm nay. Có những lo ngại rằng sản phẩm của Ukraine một lần nữa có thể tràn vào thị trường của các nước đó sau khi thỏa thuận Sáng kiến Biển Đen bị đổ vỡ. Thỏa thuận này cho phép ngũ cốc của Ukraine được vận chuyển qua Biển Đen.
Theo lời ông Telus, ông tin tưởng rằng “một số” quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ngũ cốc sẽ cùng Ba Lan áp đặt các hạn chế đơn phương đối với Ukraine.
Tháng trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng cam kết nước ông sẽ duy trì lệnh cấm ngũ cốc của Ukraine, dù có hoặc không có sự đồng ý của Ủy ban châu Âu.