Cán bộ, nhà giáo, người lao động trong các đơn vị trường học cả nước đã động viên, chung tay khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra...
Với tinh thần “Vì đồng nghiệp thân yêu - chung tay hỗ trợ giáo dục vùng bị bão lũ”, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Cán bộ, nhà giáo, người lao động trong các đơn vị trường học cả nước đã quan tâm động viên, chung tay hỗ trợ để các thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra.
- Xin ông cho biết cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã ảnh hưởng thế nào với ngành Giáo dục?
- Cơn bão số 3 (Yagi), đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc. Trong thiệt hại chung, ngành Giáo dục cũng gánh chịu rất nhiều thiệt hại. Đến thời điểm này có 7 học sinh, 2 giáo viên thiệt mạng, 1 giáo viên mất tích do bão lũ; hàng chục ngàn trường học bị hư hại; hàng triệu học sinh chưa thể đến trường.
Cụ thể, tại Thái Nguyên có hàng nghìn hộ gia đình bị ngập, trong đó có 500 hộ của thầy, cô giáo, cán bộ nhân viên trường học. Nhiều trường học bị ngập sâu trong nước, thiệt hại chưa ước tính cụ thể nhưng sẽ là rất nặng nề. Một số gia đình, trong đó có nhà ở của các thầy, cô giáo vẫn ngập sâu, đang được cứu trợ khẩn cấp.
Là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, các trường học tại Hải Phòng đều bị thiệt hại về cơ sở vật chất, trong đó có 20% số trường bị thiệt hại nghiêm trọng, không thể khắc phục ngay mà phải kéo dài hàng tháng. Nhà công vụ của 30 giáo viên vùng hải đảo bị tốc mái, hư hỏng nặng nề.
Tại Tuyên Quang, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua. Trong đó nặng nhất là Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Chiêm Hóa, khu ký túc của trường bị ngập hết tầng 1, giáo viên phải lên UBND huyện ở nhờ. Trường THPT Na Hang bị ngập nhà công vụ.
Tại Bắc Kạn, có 30 nhà giáo viên bị ảnh hưởng, trong đó nhà của 1 giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể) sập hoàn toàn. Có 1 nhà công vụ giáo viên tại huyện Pắc Nặm bị tốc mái. Có 40 trường học trong tỉnh bị tốc mái, sập hàng rào. Điểm trường mầm non ở Ba Bể bị ngập hoàn toàn, trang thiết bị bị hỏng trị giá 100 triệu đồng.
Nhiều trường học trong tỉnh Phú Thọ bị tốc mái, đổ tường rào trong đợt mưa lũ vừa qua. Đặc biệt, sự cố sập cầu Phong Châu đã ảnh hưởng đến hơn 500 học sinh khối THPT phải đi học qua cầu. Để giải quyết sự cố này, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã họp với các trường để bố trí chỗ học, tăng cường số lớp, huy động giáo viên ở các khu vực khác đến dạy học sinh, tạm khắc phục đến khi có cầu phao.
Do ảnh hưởng của mưa bão, ngành GD-ĐT tỉnh Cao Bằng đã có thiệt hại về người với 4 học sinh thiệt mạng, 2 giáo viên và 1 học sinh mất tích.
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có những giải pháp gì để sẻ chia với mất mát của đồng bào vùng lũ, đặc biệt là nhà giáo, người lao động và học sinh, sinh viên, thưa ông?
- Chiều 10/9, Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam họp khẩn cấp, trực tuyến với các Chủ tịch Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố từ Ninh Bình trở ra. Các đồng chí Chủ tịch Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam cũng tham gia họp để nắm tình hình, động viên, chia sẻ khó khăn, để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời.
Trước đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã ban hành văn bản gửi Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố và các đơn vị Công đoàn trực thuộc về việc quan tâm, động viên và hỗ trợ giáo dục vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ năm 2024. Nội dung công văn nêu rõ:
“Cơn bão số 3 (Yagi) đã đổ bộ vào Việt Nam đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản các tỉnh miền Bắc. Nhiều trường học đang bị cô lập; trang thiết bị, đồ dùng tài sản các trường học bị cuốn trôi và hư hỏng.
Nhiều gia đình cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên bị thiệt hại nặng nề. Cán bộ, nhà giáo, người lao động trong các trường học vùng bão lũ đang gắng sức chống chọi với lũ lụt, với hậu quả do cơn bão tàn phá.
Với tinh thần “Vì đồng nghiệp thân yêu - chung tay hỗ trợ giáo dục vùng bị bão lũ”, Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị cán bộ, nhà giáo, người lao động trong các đơn vị trường học, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quan tâm động viên, chung tay hỗ trợ để các thầy cô, học sinh, sinh viên ổn định tinh thần, bình tâm xử lý các tình huống đang phải đối mặt.
Đồng thời đóng góp kinh phí để chia sẻ khó khăn với các trường học, với các thầy cô, các em học sinh, sinh viên nơi bão lũ đã và đang hoành hành.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị các đơn vị huy động các nguồn lực để chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, người lao động. Ở các tỉnh, thành phố không ảnh hưởng, cần huy động các nguồn lực nhưng không để ảnh hưởng đến giáo viên của mình. Đồng thời cập nhật thông tin thiệt hại về người, tài sản, điều kiện dạy học báo cáo Công đoàn Giáo dục Việt Nam”.
- Hưởng ứng lời kêu gọi của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ngành Giáo dục các địa phương triển khai những hoạt động gì?
- Từ ngày 10/9, Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố, Công đoàn các đại học, trường đại học, đơn vị trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai nhiều hoạt động, chung tay hỗ trợ thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên vùng bão lũ.
Theo đó, Công đoàn Giáo dục TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà công vụ cho giáo viên TP Hải Phòng và tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời huy động toàn ngành Giáo dục ủng hộ và chuyển kinh phí về Công đoàn Giáo dục Việt Nam sớm nhất.
Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế, Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT và nhiều đơn vị khác cũng nhanh chóng triển khai để cán bộ nhà giáo, người lao động tại đơn vị có cơ hội ủng hộ sớm nhất theo chủ trương của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Tối 10/9, Công đoàn Giáo dục Việt Nam trích kinh phí hỗ trợ gia đình giáo viên và học sinh bị tử vong, giáo viên, nhân viên trường học bị sập nhà và thiệt hại nặng nề thuộc các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng và Tuyên Quang.
Chiều 11/9, Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Sau lễ phát động, hơn 6,6 tỷ đồng được tiếp nhận. Hoạt động ủng hộ còn tiếp tục trong những ngày tới thông qua kênh tiếp nhận là Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!