Luật Người khuyết tật quy định rõ quyền của nhóm người này nhưng không phải địa phương nào cũng có đơn vị thực hiện GD hỗ trợ hòa nhập và chuyên biệt.
Điều này khiến những thiệt thòi của trẻ khuyết tật như nhân lên gấp bội.
Chị Đỗ Thị Thu Huyền (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) đã sốc khi biết tin con không có khả năng nghe từ lúc 9 tháng tuổi. Ngay khi phát hiện, gia đình chị chạy chữa khắp nơi, mua máy trợ thính, đưa con đi phẫu thuật nhưng không đạt kết quả. Con được 2 tuổi, chị Huyền lên Hà Nội tham gia lớp học dành cho trẻ khiếm thính; tới khi vào lớp 1, chị chuyển con về trường gần nhà để học hoà nhập.
Từ kinh nghiệm bản thân, chị Huyền cho rằng, học trong môi trường hoà nhập, con dù được nhà trường, thầy cô, bạn bè giúp đỡ, tạo điều kiện nhưng vẫn bị hạn chế. Do đó lên lớp 9, gia đình chị Huyền lại chuyển con lên Hà Nội học trường chuyên biệt để được rèn luyện kỹ năng sống và học nghề có thể hoà nhập với xã hội.
“Tại môi trường chuyên biệt, con có bạn cùng cảnh ngộ đồng cảm, thấu hiểu. Thầy cô được đào tạo bài bản sẽ phát hiện và bồi đắp khả năng tiềm ẩn”, chị Huyền nhìn nhận và cho biết thêm, sau thời gian học, thầy cô phát hiện con đam mê làm bánh, pha chế, đặc biệt hiện con có thể tự bắt xe từ Hà Nội về Hưng Yên mà không cần người khác hỗ trợ.
Theo cô Mạc Chung Thuỷ - quyền Hiệu trưởng Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều địa phương chưa có trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật. Bởi vậy, các gia đình phải cho con học hoà nhập cùng học sinh bình thường, hoặc cho con ở nhà, tự chăm sóc. Thậm chí, có gia đình phải lên Hà Nội, TPHCM ở trọ, đi làm thuê để con có cơ hội học trường chuyên biệt.
Cô Tống Thị Thanh Bình (giữa), Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) trao quà cho học sinh khuyết tật. Ảnh: PH |
Trường Chuyên biệt Tương lai (TP Đà Nẵng) hiện có 8 giáo viên thuộc Tổ Can thiệp cá nhân. Trong khi đó, số học sinh cần học tiết giáo dục cá nhân và can thiệp sớm rất lớn. Vì vậy, nhà trường buộc phải linh động sắp xếp, bố trí giáo viên đứng lớp. “Chúng tôi có 3 nhân viên hỗ trợ. Với trẻ mầm non, buổi chiều sẽ bố trí 1 giáo viên đứng lớp, 1 nhân viên hỗ trợ. Giáo viên còn lại được “rút” ra để thực hiện các tiết dạy giáo dục cá nhân hoặc can thiệp sớm”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Quy thông tin.
Ở cấp tiểu học, định mức với giáo viên các trường chuyên biệt chỉ có 19 tiết dạy/tuần. Vì vậy, Trường Chuyên biệt Tương lai dựa trên đăng ký của giáo viên và nguyện vọng từ phụ huynh để sắp xếp các tiết dạy can thiệp cá nhân cho phù hợp.
Thầy Quy cho biết, để giảm tải áp lực cho giáo viên và đảm bảo số tiết dạy giáo dục cá nhân, các trường chuyên biệt cần tuyển thêm nhân viên hỗ trợ như quy định, cứ 15 học sinh thì có 1 nhân viên hỗ trợ. Theo kế hoạch, năm 2024, Trường Chuyên biệt Tương lai sẽ đề xuất với Sở GD&ĐT Đà Nẵng tuyển thêm 2 nhân viên hỗ trợ.
Thực hiện sắp xếp theo vị trí việc làm, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng có 3 giáo viên làm công việc giáo dục cá nhân. Mỗi giáo viên chỉ có thể đảm nhận tối đa 25 tiết/tuần, chưa kể công việc hỗ trợ các lớp nguồn đặt tại trường có học sinh học hòa nhập. Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên - Giám đốc Trung tâm cho hay: “So với nhu cầu, hiện đơn vị thiếu 3 giáo viên để đảm nhận tốt chức năng hỗ trợ, tư vấn, đánh giá và đáp ứng yêu cầu giáo dục cá nhân của học sinh. Bởi có trẻ, chỉ cần 2 tiếng đồng hồ là có thể đánh giá được dạng tật của trẻ nhưng không ít trường hợp, giáo viên mất từ 1 - 2 ngày để có hồ sơ đánh giá hoàn chỉnh”.
Hiện, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng có 7 phòng nguồn ở các trường tiểu học trên toàn thành phố. Mỗi tháng, trung tâm cử giáo viên đến hỗ trợ một buổi tại phòng nguồn. Ngoài ra, trung tâm đảm nhiệm việc hỗ trợ các trường có học sinh khuyết tật theo học hòa nhập, từ tập huấn, hướng dẫn phương pháp, cung cấp tài liệu, dạy mẫu cho đến hỗ trợ ban giám hiệu cũng như giáo viên chủ nhiệm, bộ môn và phụ huynh trong việc xây dựng kế hoạch, mục tiêu giúp học sinh khuyết tật tiến bộ.
Chính vì vậy, theo cô Quyên, không phải trường hợp nào giáo viên đứng lớp của trung tâm đề xuất học sinh cần có các tiết giáo dục cá nhân cũng được đáp ứng vì không đủ đội ngũ dạy can thiệp. Trong khi đó, với đặc thù trường chuyên biệt thì phải có giáo viên đứng lớp và can thiệp cá nhân mới có hiệu quả rõ rệt.
“Nhiều phụ huynh có con theo học tại các trường mầm non, tiểu học ở bên ngoài gặp một số vấn đề như chậm nói, khó đọc, tự kỷ dạng nhẹ, rối loạn hành vi... có nhu cầu gửi con học các tiết cá nhân ở trung tâm. Thế nhưng, chúng tôi không đáp ứng hết nên đành giới thiệu đến các trung tâm tư nhân bên ngoài để không làm chậm trễ giai đoạn vàng trong can thiệp”, cô Quyên chia sẻ.
Giờ học của học sinh Trường Chuyên biệt Tương lai (Đà Nẵng). Ảnh: NTCC |
Năm học này, cô Trần Thị Thanh Thủy - giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng dạy lớp 2 với 13 học sinh. Trong số này, 2 em khiếm thị, 6 em khiếm thính, 2 em khuyết tật trí tuệ và 3 em tự kỷ. Với một lớp đa tật, mỗi giờ lên lớp của cô Thủy buộc phải linh hoạt trong tổ chức dạy - học. Những ngày đầu lên lớp, như nhiều giáo viên khác, cô giáo Thủy gặp khó khăn khi chuyển từ dạy học sinh khiếm thị sang đa tật. Nhưng bằng trách nhiệm và tình thương, cô Thủy nỗ lực vừa học từ trò, vừa tự học thêm ngôn ngữ ký hiệu để nâng cao kỹ năng giao tiếp với học sinh đa tật.
Với giáo viên, nhân viên chưa được đào tạo về giáo dục đặc biệt, Trường Chuyên biệt Tương lai đã phối hợp với Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng mở riêng một khóa để bồi dưỡng chứng chỉ cho đội ngũ. Nhà trường hỗ trợ 50% học phí của khóa đào tạo nên giáo viên, nhân viên của trường đều có chứng chỉ giáo dục đặc biệt. Trong sinh hoạt chuyên môn, tổ trưởng, tổ phó cũng có thêm nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo lại cho giáo viên không được tham dự các khóa tập huấn liên quan đến giáo dục đặc biệt.
Với các tiết học giáo dục cá nhân, theo quy chuẩn, phải tiến hành ở phòng học có diện tích không quá 12m2 để tăng sự tập trung của trẻ. Phòng học phải có nhiều đồ chơi, đồ dùng, cách âm tốt.
Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Duy Quy, rất khó đáp ứng các tiêu chí theo chuẩn. Như ở Trường Chuyên biệt Tương lai, để có đủ phòng học cho các tiết giáo dục cá nhân, nhà trường phải tận dụng cả thư viện, phòng lưu trữ hồ sơ, sân khấu của hội trường, phòng đo thính lực... Thậm chí, ngăn cả một số phòng học có diện tích rộng để vừa làm phòng học vừa làm phòng giáo dục cá nhân.
Hoạt động làm việc nhóm trong một tiết học của học sinh Trường Chuyên biệt Tương lai (Đà Nẵng). Ảnh: NTCC |
Gắn bó 7 năm với học sinh khuyết tật, cô Linh Thị Sơn - giáo viên Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Các em đến trường học đã vất vả vì vậy việc tiếp nhận kiến thức khó hơn nhiều so với học sinh bình thường. Ví dụ, học sinh khiếm thính, nếu học trong môi trường hoà nhập không có sự hỗ trợ của thầy cô thì gần như lượng kiến thức tiếp thu được rất ít. Lớp tôi chủ nhiệm có 2 học sinh đã học hết lớp 5 ở trường hoà nhập nhưng khả năng giao tiếp hạn chế, kỹ năng mềm không biết. Có em 15 - 16 tuổi mới bắt đầu làm quen chữ cái, sách vở, bút mực…”.
Cô Sơn dẫn chứng thêm, giáo viên các trường hoà nhập ít được đào tạo bài kỹ năng giảng dạy học sinh khuyết tật. Trong khi đó, lớp học sĩ số cao, thầy cô không có nhiều thời gian dành cho nhóm học sinh đặc biệt này. Do đó, nếu học sinh khuyết tật được học trong môi trường chuyên biệt sẽ tự tin, có bạn đồng cảnh ngộ, từ đó các em cùng giúp đỡ nhau phát triển và hoà nhập với xã hội.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Thái Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nêu thực trạng: Chúng ta gọi chung là học sinh khuyết tật, nhưng các loạt tật và mức độ của các em không giống nhau. Có em khuyết tật dạng vận động, tự kỷ hoặc bị ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ (còn gọi là học sinh có khó khăn về học).
Với học sinh khuyết tật học hòa nhập, nếu có hồ sơ đánh giá của cơ quan y tế, giáo viên sẽ không mất thời gian theo dõi, sàng lọc để có hướng dạy học phù hợp. Tuy nhiên, hiếm học sinh khuyết tật có hồ sơ y tế đi kèm. Thậm chí, khi giáo viên, nhà trường trao đổi về tình trạng của học sinh còn vấp phải sự phản đối, không hợp tác của phụ huynh.
Không có hồ sơ chứng nhận học sinh khuyết tật, các em phải làm chung một đề với học sinh bình thường khác khi tiến hành kiểm tra, đánh giá định kỳ. Đây là áp lực, thiệt thòi rất lớn đối với học sinh, nếu không có sự đồng thuận từ gia đình dễ dẫn đến tình trạng lưu ban bởi không được giảm tải kiến thức, học các tiết can thiệp cá nhân phù hợp.
Ngoài ra, học sinh không có hồ sơ chứng nhận bị khuyết tật, lớp học không được giảm sĩ số và giáo viên đứng lớp cũng không được hưởng chế độ theo quy định. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhiệt huyết người dạy.
Tại Hà Tĩnh, Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) có hơn 1 nghìn học sinh, trong đó 15 trẻ khuyết tật ở 5 khối lớp đang học hoà nhập. Cô Tống Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học sinh khuyết tật ở trường khá đa dạng, có em khuyết tật chân, tay, mất khả năng nghe nói, khuyết tật trí tuệ. Một số em lại không tự chủ được hành vi gây ảnh hưởng tới các bạn, giáo viên.
“Các lớp có học sinh khuyết tật sĩ số ít hơn lớp học sinh bình thường để giáo viên có thời gian hỗ trợ đặc biệt. Chúng tôi yêu cầu giáo viên trong quá trình hướng dẫn bài phải giảm nhẹ kiến thức, tạo hứng thú học tập. Quá trình giảng dạy, chú trọng hướng dẫn các em cách sinh hoạt cá nhân, bảo vệ bản thân, tạo nền nếp học tập”, cô Thanh Bình cho biết.
Dù chủ động giải pháp hỗ trợ nhóm học sinh khuyết tật song lãnh đạo Trường Tiểu học Nam Hà vẫn phải đối diện một số khó khăn như: Giáo viên chưa qua đào tạo, chỉ tham gia một số buổi bồi dưỡng, tập huấn về giáo dục hòa nhập nên vừa dạy vừa làm quen và rút kinh nghiệm. Thời gian trên lớp hạn hẹp do giáo viên phải dạy 2 nhóm khác nhau nên không thể quan tâm nhiều tới trò khuyết tật.
Tỉnh Lạng Sơn hiện chưa có trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật. Do đó, các em phải học hoà nhập tại các trường học trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, chế độ dành cho học sinh khuyết tật được ngành quan tâm.
Ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Ngành luôn quan tâm đến học sinh khuyết tật, hướng dẫn gia đình làm thủ tục để học sinh được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định tại địa phương.
Sở đồng thời chỉ đạo các trường giúp đỡ, tạo điều kiện tối đa để học sinh khuyết tật được học tập, giao tiếp hoà đồng với bạn bè, thực hiện đúng quy định về theo dõi, đánh giá học sinh khuyết tật. Trường hợp gia đình, học sinh có nguyện vọng học hoà nhập không phân biệt thì thực hiện dạy học hoà nhập và hồ sơ, đánh giá như học sinh bình thường”.