Các nhà khoa học Mỹ đã phát tác dụng đặc biệt của isoflavone, một hợp chất dồi dào trong nhiều món ăn quen thuộc với người Á Đông.
Theo SciTech Daily, nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Đại học Illinois ở Urbana-Champaign cho thấy các món ăn làm từ đậu nành và sữa đậu nành có thể giúp trẻ em có khả năng tập trung và tư duy tốt hơn.
Isoflavone là hợp chất tự nhiên có trong nhiều loại thực vật, đặc biệt là đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành.
Các món ăn từ đậu nành hay sữa đậu nành có lợi cho trí não của trẻ em lẫn người lớn - Ảnh: SCITECH DAILY
Mặc dù trước đây đã có các bằng chứng ở người lớn cho thấy isoflavone đậu nành có thể cải thiện trí nhớ, nhưng lợi ích của nó ở trẻ em vẫn chưa được nghiên cứu kỹ.
Do vậy, các nhà khoa học Mỹ đã xem xét chế độ ăn uống chi tiết của 128 trẻ em từ 7 đến 13 tuổi ở nước này.
Để đánh giá khả năng trí tuệ chung của các em nhỏ này, họ sử dụng một bộ bài kiểm tra bằng bút chì và giấy được điều chỉnh theo trình độ phù hợp với cấp học
Họ cũng đo khả năng chú ý bằng cách sử dụng một nhiệm vụ được vi tính hóa gọi là "nhiệm vụ flanker" trong khi hoạt động điện não đồ (EEG) được ghi lại nhằm đo tốc độ xử lý thông tin và sự chú ý.
Lượng tiêu thụ isoflavone đậu nành của từng trẻ dao động từ 0 -35 mg/ngày. Những trẻ tiêu thụ nhiều đậu nành nhất cũng là những trẻ đạt điểm cao trong các bài kiểm tra tư duy - nhận thức.
Vì vậy, việc bổ sung một lượng đậu nành vừa phải vào khẩu phần sẽ giúp ích trẻ rất nhiều trong việc học tập.
Một ly sữa đậu nành 237 ml cung cấp khoảng 28 mg isoflavone, một khẩu phần đậu hũ cung cấp khoảng 35 mg và nửa cốc đậu nành hấp cung cấp khoảng 18 mg isoflavone.
Các tác giả cũng gợi ý các món ăn nhẹ như đậu nành rang, hạt đậu nành hoặc sữa đậu nành là cách tốt để bổ sung thêm đậu nành vào chế độ ăn. Đậu hũ, tempeh (một món ăn truyền thống bằng đậu nành xuất xứ từ Indonesia) hoặc viên đậu nành cũng là lựa chọn tốt.
Như vậy, người châu Á dường như có lợi thế lớn bởi các món ăn làm từ đậu nành cũng như món sữa đậu nành rất phổ biến tại các quốc gia châu Á.