Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang đến gần với nhiều thay đổi căn bản về cách thức tổ chức và đánh giá.
Trong đó, môn Ngữ văn đặt ra không ít thử thách cho học sinh, giáo viên khi thi theo Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, nhiều trường học ở Hà Tĩnh đã chủ động “xoay trục”, biến thách thức thành động lực đổi mới hiệu quả.
Năm 2025, lần đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018. Theo đó, học sinh chỉ thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn phù hợp với tổ hợp xét tuyển. Điều này buộc học sinh phải xác định sớm định hướng nghề nghiệp, xây dựng lộ trình học tập chủ động, thay vì học dàn trải như trước.
Riêng môn Ngữ văn, thay đổi đáng chú ý là ngữ liệu đề thi không nằm trong 3 bộ sách giáo khoa hiện hành. Điều này đồng nghĩa học sinh không thể học tủ, học thuộc văn mẫu. Đề thi sẽ tập trung đánh giá năng lực đọc hiểu, tư duy phản biện và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đây là bước chuyển lớn, vừa kỳ vọng, vừa tạo áp lực cho người dạy và học.
Việc từ bỏ lối tư duy theo kiểu “ôn gì thi nấy”, chuyển sang phát triển năng lực toàn diện, không chỉ đòi hỏi giáo viên phải cập nhật phương pháp dạy học mới, mà học sinh cũng phải rèn luyện khả năng tư duy độc lập, kỹ năng làm bài linh hoạt. Đó là chưa kể việc làm quen cấu trúc đề mới, tiếp cận văn bản ngoài sách giáo khoa, nâng cao vốn sống và khả năng diễn đạt. Rõ ràng, đây là thử thách không hề nhỏ.
Để làm được điều đó, không chỉ cần những chỉ đạo đúng từ cấp quản lý, mà cần sự chuyển mình thực chất từ mỗi nhà trường, thầy cô, học sinh. Khi tất cả cùng chung một hướng - từ nhận thức đến hành động thì những thách thức hôm nay sẽ trở thành động lực cho kỳ thi công bằng, chất lượng và đáng tin cậy.
Em Thái Trà My - lớp 12A10, Trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Em dùng điểm môn Ngữ văn để xét tuyển đại học nên phải tự học nhiều, nắm vững các kỹ năng mà thầy cô hướng dẫn. Việc rèn luyện các dạng đề giúp em tự tin hơn khi làm bài”.
Còn theo cô Nguyễn Thúy Hạnh - giáo viên Ngữ văn (Trường THPT Nguyễn Đình Liễn, Hà Tĩnh), thay đổi lớn nhất là chuyển từ học thuộc sang tư duy sáng tạo. Giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy, học sinh thay đổi tư duy học tập. Đề mới yêu cầu cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết, đặc biệt kỹ năng đọc hiểu và vận dụng xã hội. Với học sinh yếu, trung bình, vốn từ ít, ngại viết thì áp lực càng lớn.
Trước những yêu cầu mới, ngành Giáo dục Hà Tĩnh sớm có bước chuẩn bị bài bản và chủ động. Ngay đầu hè 2024, sở GD&ĐT tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho giáo viên môn Ngữ văn, tập trung vào việc phân tích đề minh họa và định hướng xây dựng hệ thống đề thi phù hợp chương trình mới.
Sau tập huấn cấp tỉnh, các tổ chuyên môn theo cụm trường tiếp tục triển khai làm đề theo cấu trúc mẫu, đồng thời tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường. Đây là diễn đàn thiết thực để giáo viên trực tiếp giảng dạy trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, thống nhất hướng tiếp cận và phương pháp ôn tập cho học sinh.
Tại các trường THPT, ngân hàng đề môn Ngữ văn được xây dựng nghiêm túc, đảm bảo chất lượng chuyên môn và bám sát định hướng của Bộ GD&ĐT. Nhiều trường còn tổ chức thi đánh giá năng lực ngay từ đầu năm học để phân loại học sinh và sắp xếp lớp phù hợp năng lực. Các tổ hợp xét tuyển đại học liên quan đến môn Ngữ văn cũng được thông tin sớm, giúp các em chủ động trong việc chọn ngành, trường.
Sau mỗi lần kiểm tra, thi thử, kết quả được thống kê và trả bài chi tiết, từ đó giúp học sinh nhìn nhận rõ ưu, nhược điểm. Giáo viên cũng căn cứ vào đó để điều chỉnh phương pháp dạy học, tăng cường hướng dẫn kỹ năng viết bài, đọc hiểu, liên hệ thực tế.
Những cách làm này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực đó là giáo viên dần định hình được phương pháp dạy học phù hợp; học sinh chủ động, bớt lúng túng và học tập có định hướng hơn.
Học khối Tự nhiên nên với đề thi không sử dụng văn bản trong sách giáo khoa, em Nguyễn Văn Phát - lớp 12A3, Trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) phải làm quen với nhiều dạng văn bản mới. “Thầy cô đã cho luyện đề khá sát, giúp chúng em hiểu rõ cách tiếp cận từng dạng câu hỏi”, nam sinh bày tỏ.
Chương trình Ngữ văn mới có mục tiêu hướng tới dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có nhiều điểm mới, đặc biệt việc sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa. Vì thế, đòi hỏi học sinh phải rèn luyện năng lực đọc hiểu theo đặc trưng thể loại.
Chia sẻ thông tin, cô Nguyễn Thị Thu Hương - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Kỳ Lâm (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng thời nhấn mạnh: Nếu không đọc hiểu được văn bản theo đặc trưng thể loại, thiếu vốn ngôn ngữ, kiến thức xã hội để vận dụng thì rất khó khăn. Mỗi giáo viên phải chủ động đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi thói quen và tư duy học tập của học sinh. Bên cạnh cung cấp kiến thức cần tập trung rèn luyện kỹ năng, tạo sự linh hoạt khi các em làm đề thi cụ thể.
Là ngôi trường vùng biển ngang còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, kết quả tốt nghiệp THPT luôn đạt tốp đầu Hà Tĩnh. Để giữ vững thành tích, theo ông Hoàng Quốc Quyết - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), từ đầu năm học, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ và sở GD&ĐT, nhà trường đã chủ động triển khai xây dựng kế hoạch. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc giáo viên thực hiện theo định hướng. Sau khi có đề tham khảo thì xây dựng ngân hàng đề để tổ chức ôn luyện.
“Ngoài ra, thực hiện quy định của Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm có những ảnh hưởng nhất định nên nhà trường chủ động điều tiết để bố trí dạy học đảm bảo. Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức các lần thi kiểm tra để khảo sát đánh giá năng lực học sinh”, ông Hoàng Quốc Quyết nói.
Cô Nguyễn Thúy Hạnh - giáo viên môn Ngữ văn (Trường THPT Nguyễn Đình Liễn) cho rằng: “Nếu được định hướng tốt, ôn luyện đúng trọng tâm, học sinh hoàn toàn có thể tiếp cận đề thi mới. Vấn đề là cần thời gian và sự kiên trì của thầy lẫn trò”.