Dù gặp nhiều khó khăn trong việc dạy học Tiếng Anh nhưng hầu hết giáo viên đều cho rằng việc tăng cường đầu tư cho môn học này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả. Thầy giáo Đặng Ngọc Quý - Trường PTDT Bán trú - THCS Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, Nghệ An) chia sẻ: Về cơ bản môn Tiếng Anh vốn dĩ đã khó học với không ít học sinh ở miền xuôi. Với các học sinh dân tộc, khó khăn còn nhân lên gấp nhiều lần.
Nhưng không vì khó khăn mà các học sinh dân tộc không yêu thích môn học này; đa số các em có sự tò mò và mong muốn khám phá ngôn ngữ mới. Chính vì vậy, nhiều giáo viên bộ môn Tiếng Anh ở các trường khu vực miền núi đã và đang ngày đêm đưa ngoại ngữ lên miền núi, giúp học sinh dân tộc mở cánh cửa giao lưu thế giới.
Cô Hà Ánh Phượng - giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), đại biểu Quốc hội khóa XV - chia sẻ rằng sinh ra và lớn lên ở miền núi, cô hiểu rằng, dù có thể không đủ điều kiện như ở miền xuôi, thế nhưng tinh thần học của học sinh miền núi luôn cao. Đây chính là động lực lớn để những giáo viên như cô tiếp tục gắn bó với vùng cao.
Để giúp học sinh của trường tiếp cận với tiếng Anh, cô Phượng đổi mới, sáng tạo phương thức dạy học để khiến học sinh hứng thú hơn trong mỗi giờ học. Chỉ với một màn hình, một máy chiếu, học sinh của cô sau khi vượt qua những rụt rè ban đầu, giờ có thể tự tin thuyết trình, giao lưu văn hóa, giới thiệu di sản văn hóa thế giới như hát xoan đến học sinh các nước trên thế giới.
Có tới 85% học sinh là người dân tộc ít người nhưng trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT gần đây, học sinh Trường THPT Hương Cần đều đạt được thành tích cao trong môn Tiếng Anh. Cùng với đó, nhiều em đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để miễn thi tốt nghiệp THPT.
Cô Phượng cho rằng, sự nỗ lực của những “giáo viên cắm bản” sẽ góp phần “mang thế giới” đến cho học sinh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Các thầy cô cũng cần thêm trợ lực từ chính sách đặc thù để học sinh dân tộc không chỉ hoàn thành môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT mới, mà còn giúp các em đến với cánh cửa giao lưu thế giới.
TS Đỗ Tuấn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) - nêu quan điểm: Điểm môn ngoại ngữ thấp là điều dễ hiểu bởi ở đây có sự khác biệt giữa các vùng miền. Từ kết quả phổ điểm thi môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cho thấy, cần đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đưa ra chính sách nhằm cải thiện thế nào cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá cũng như đầu tư về ngoại ngữ cho các vùng miền khác nhau.