Năm học 2024 – 2025, là năm học đầu tiên Chương trình GDPT mới được áp dụng với học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 trên cả nước. Từ tháng 12/2023, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt danh mục SGK mới của các khối lớp 5 và lớp 9.
Do đó, ngay sau khi Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục SGK mới, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã triển khai danh mục SGK đến tất cả các cơ sở GD trên địa bàn tỉnh, để cán bộ quản lí (CBQL) giáo viên (GV) nắm bắt, tự tìm hiểu các cuốn SGK mới trên những trang trực tuyến của Bộ GD&ĐT.
Đây là bước quan trọng nhằm giúp đội ngũ CBQL và GV tiếp cận đầy đủ thông tin về các cuốn SGK mới, giúp thầy cô tự tin khi tham gia Hội thảo.
Công tác giới thiệu SGK mới đảm bảo khách quan, trung thực, đầy đủ. Các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả viết sách và các báo cáo viên chia sẻ quan điểm biên soạn sách, cấu trúc sách, cấu trúc bài học, nội dung dạy học, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học; phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh...
Các nhà trường cũng tổ chức cho GV nghiên cứu, thảo luận, đánh giá nghiêm túc các bộ SGK mới. Công tác tập huấn được thực hiện đảm bảo chất lượng với tinh thần cầu thị, nghiêm túc và trách nhiệm cao.
Nhiều GV cho rằng, là năm thứ 5 tiến hành tập huấn SGK nên các nhà trường đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất; phân công GV phụ trách công nghệ thông tin thường trực trong tất cả các buổi học trực tuyến để hướng dẫn, kịp thời khắc phục những sự cố kĩ thuật nếu có.
Dù tổ chức dưới hình thức trực tuyến, nhưng các nhà trường đều đảm bảo tham gia hội thảo hiệu quả, chất lượng. CBQL, GV tham gia tập huấn qua ứng dụng Google Meet và Zoom Meeting đều ổn định, không gặp sự cố.
Giáo viên Trường Tiểu học Trung Lý (Mường Lát) tham gia báo cáo giới thiệu sách giáo khoa tại đơn vị. Ảnh: HĐ |
Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu cấu trúc, nội dung của từng bộ sách chính là điều kiện thuận lợi để GV có cái nhìn thật cụ thể, chi tiết... giúp các CBQL, GV đảm bảo kiến thức, kĩ năng để thực hiện lựa chọn SGK theo Thông tư 27/2023/TT- BGDĐT. Sẵn sàng tâm thế triển khai dạy học SGK lớp 5, lớp 9 hiệu quả theo Chương trình GDPT 2018 bắt đầu từ năm học 2024 - 2025.
Thầy Nguyễn Văn Giang – Hiệu trưởng Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết: Chương trình giới thiệu sách lớp 5 và lớp 9 trực tuyến đến CBQL, GV trực tiếp giảng dạy các nhà trường là hoàn toàn thiết thực.
“Trong thời gian 2 ngày (26, 27/2 vừa qua), CBQL, GV được tiếp thu, đưa ra các quan điểm lựa chọn sách giảng dạy phù hợp với nhà trường và học sinh vùng, miền. Mỗi bộ sách có những ưu điểm riêng, nhưng nhìn chung là mạch kiến thức rõ ràng, hình ảnh minh họa đẹp mắt, phù hợp với nội dung bài học”, thầy Giang nói.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho hay, mới đây các NXB vừa gửi về 12 bộ SGK cho trường Tiểu học; 10 bộ cho trường THCS, để các nhà trường nghiên cứu. Trong đó, có 2 bộ, gồm: “Cánh diều” và “Kết nối tri thức với cuộc sống”, Phòng GD&ĐT Mường Lát đã chuyển sách về các nhà trường.
Cũng theo bà Thúy, theo quy trình, 2 bộ SGK “Cánh diều” và “Kết nối tri thức” sẽ được chuyển về các trường để nghiên cứu trước. Sau đó, nhà trường mới lựa chọn, làm hồ sơ đăng ký, rồi mới về tỉnh tập huấn thay SGK.
Tuy nhiên, đối với cấp Tiểu học, do có nhiều GV là người địa phương vùng khó, nên nhiều người mong muốn được tập huấn trực tuyến với người viết sách, để có những vấn đề chưa rõ, thì được giải thích rõ ràng.
Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), bày tỏ quan điểm về việc tập huấn thay SGK, như sau: “Huyện Mường Lát, là địa phương vùng cao, xa, biên giới, nên mỗi lần về tỉnh tập huấn thay sách, GV phải bỏ thời gian và di chuyển gần 300 km, nên rất tốn kém”.
Giáo viên Trường Tiểu học Nhi Sơn (Mường Lát) tham gia báo cáo giới thiệu sách giáo khoa tại trường. Ảnh: HĐ |
Qua nhiều lần tổ chức cho CBQL, GV nhà trường đi tập huấn thay SGK, thầy hiệu trưởng này cho rằng; việc tổ chức tập huấn thay SGK ở tỉnh, với mỗi đợt kéo dài vài ngày và hàng nghìn người tham gia, thì rõ ràng vừa tốn kém, vừa không hiệu quả.
Nếu chia nhỏ ra và tổ chức tập huấn trực tuyến, thì sẽ hiệu quả hơn so với cách hàng nghìn người tập trung lên hội trường ngồi nghe. Hơn nữa, việc tập huấn thay SGK, cơ bản là phải truyền đạt được phương pháp, hình thức tổ chức lớp học, môn học hợp lý cho GV tiếp cận, sẽ hay hơn.
Cũng theo thầy Tùng, đối với cấp học THCS, thì hiện nay ở Mường Lát đang chủ yếu là GV người miền xuôi. Do đó, khi tập huấn thay SGK vào thời gian nghỉ hè, thì GV có điều kiện thuận lợi hơn so với GV cấp Tiểu học.
“Các trường Tiểu học ở Mường Lát hiện nay hầu hết là giáo viên người địa phương. Khoảng cách từ huyện vùng biên này về trung tâm thành phố là khá xa, có trường cách xa gần 300km. Trong khi đó, mỗi lần tổ chức cho CBQL, GV đi tập huấn vài ngày, nhà trường phải bỏ kinh phí chi tiêu khá tốn kém.
Hơn nữa, điều cơ bản nhất là hiện nay vấn đề công nghệ thông tin cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu cho công tác tập huấn trực tuyến. Vì thế, nếu tập huấn thay SGK thay vì phải kéo nhau về tỉnh, thì nên tổ chức ở huyện hoặc ở đơn vị trường học là tốt hơn”, thầy Tùng chia sẻ.
“Khi tham gia tập huấn thay SGK, nhiều GV mong muốn người trực tiếp giới thiệu sách phải là người viết sách, chứ không phải là người của nhà xuất bản. Bởi, khi có vấn đề cần giải đáp, thì người của xuất bản không giải thích được những khó khăn, vướng mắc đối với giáo dục vùng khó, mà chỉ giải thích chung chung là xuất bản sách chung cho toàn quốc”, bà Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng GD&ĐT Mường Lát (Thanh Hóa).