Được gặp Bác chỉ vỏn vẹn một giờ, nhưng với bà Lê Thị Hiền (TP Hà Tĩnh), đó là ký ức không bao giờ phai. Không chỉ vì đó là vinh dự lớn lao, mà bởi từ cuộc gặp ấy, một ngọn lửa trong bà được thắp lên, để rồi suốt cuộc đời bà sống theo ánh sáng ấy.
Đã bước sang tuổi 88, không còn nhớ rõ nhiều dấu mốc cuộc đời, nhưng kỷ niệm lần đầu gặp Bác luôn là kim chỉ nam - soi sáng cả cuộc đời cống hiến của bà Lê Thị Hiền - nguyên Phó Chủ nhiệm hợp tác xã Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh).
Năm 1966, nền sản xuất nông nghiệp cả nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung Bộ. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã lựa chọn một số đơn vị (trong đó có đơn vị của bà Hiền) đi tham quan miền Bắc, học tập kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp tại Thái Bình. Thời điểm này, bà Hiền đảm nhiệm vai trò Phó Chủ nhiệm HTX Lý Tự Trọng thuộc xã Thạch Yên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh (nay thuộc phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh). Không ai trong đoàn nghĩ rằng trong chuyến đi công tác ấy, họ lại có được vinh dự lớn lao - được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.
Bà Hiền kể, đoàn Hà Tĩnh khi đó có 41 người nhưng chỉ có 4 nữ. Sau khi ra Bắc học tập mô hình sản xuất ở Thái Bình, đoàn trở về thăm Thủ đô Hà Nội. Khi vừa đến cửa phòng họp của nhà khách, mọi người bất ngờ khi nhận được thông báo sẽ được gặp và trò chuyện với Bác Hồ.
Đoàn đến nơi đã thấy Bác ngồi đợi sẵn ở trong phòng họp. Bác mượn đồng hồ của một đồng chí và ân cần nói: “Chú có đồng hồ thì cho Bác mượn một chút, Bác sẽ dành cho đoàn 55 phút, còn 5 phút ai muốn hỏi Bác cái gì thì cứ hỏi nhé”.
Nhìn thấy trong đoàn có 4 cán bộ nữ, bác nhẹ nhàng mời lên phía trên ngồi để dễ nhìn và nói chuyện.
“Người hỏi han rất kỹ từng người, từng địa phương. Khi đến lượt tôi, Bác hỏi về công việc, quê quán. Sau khi nghe tôi báo cáo, Bác mỉm cười khen: Con gái Hà Tĩnh rất giỏi, rất thông minh, gan dạ. Nhưng các cháu phải cố gắng vươn lên. Muốn nam giới coi trọng thì giao việc gì cũng phải làm được. Câu nói đó tôi nhớ suốt đời”, bà Hiền xúc động kể.
Nhưng điều khiến bà day dứt và suy ngẫm nhiều hơn cả là lời Bác dặn: “Cháu là cán bộ nữ phụ trách HTX thì phải chăm lo hoạt động giải phóng phụ nữ, phải xây dựng nhà trẻ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia lao động sản xuất thay thế nam giới tham gia chiến đấu”.
Trở về sau chuyến công tác, bà Hiền báo cáo ngay với Đảng bộ và nhân dân xã Thạch Yên những điều Bác căn dặn. Lời Bác nhanh chóng trở thành hành động.
Chỉ một thời gian ngắn sau, xã Thạch Yên đã tiên phong trong việc gom nhóm trẻ ở các thôn về một đầu mối, xây dựng nhà trẻ tập trung - điều tưởng chừng xa vời vào thời điểm ấy.
“Thời đó, các nhóm trẻ đều do bà con giữ tại nhà. Đưa hết về một chỗ để nuôi dạy tập trung là chuyện rất mới. Nhưng vì đó là lời Bác dặn, tôi quyết tâm làm đến cùng”, bà kể.
Với sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân, ngôi nhà trẻ được xây dựng. Đây là nhà trẻ đầu tiên của xã, gom nhóm trẻ từ các thôn xóm về một mối. Công trình ấy sau này không chỉ giúp phụ nữ yên tâm lao động sản xuất mà còn trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương khác làm theo. Đây cũng là một trong những nhà trẻ đầu tiên của tỉnh đạt danh hiệu tiên tiến. Từ một lời dặn, một hành động cụ thể đã ra đời - mở lối cho cả phong trào giải phóng phụ nữ ở địa phương.
Từ lần gặp Bác ấy, bà Hiền tự nhủ mình phải sống và làm việc xứng đáng với niềm tin mà Người đã dành cho. Bà luôn giữ tinh thần “giao việc gì cũng phải làm được”, không ngại khó, không ngại khổ.
Trong suốt hành trình công tác, bà từng đảm nhận nhiều vai trò: Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm HTX Lý Tự Trọng, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạch Yên… Ở cương vị nào, bà cũng chọn vai trò xung kích, làm gương.
Bà vận động phụ nữ không chỉ chăm lo gia đình mà còn tích cực tham gia sản xuất, làm thủy lợi, nuôi bèo hoa dâu, cải tạo bờ vùng bờ thửa. Bà khởi xướng nhiều phong trào thiết thực như “Phụ nữ nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Nhà sạch, vườn xanh, đường đẹp”, tham gia hòa giải ở địa phương, gìn giữ tình làng nghĩa xóm.
Công việc dày đặc, nhưng bà vẫn không quên học tập, nâng cao trình độ để làm tốt hơn nhiệm vụ. “Làm cán bộ thì không được bằng lòng với mình. Phải học, phải làm, phải nêu gương - lời Bác đã dặn vậy”, bà chia sẻ.
Cũng nhờ những đóng góp bền bỉ và không ồn ào ấy, bà Hiền nhiều lần được vinh danh tại các hội nghị điển hình tiên tiến cấp huyện, tỉnh và Trung ương. Bà từng được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ vì thành tích trong công tác phụ nữ - phần thưởng mà bà trân quý suốt đời.
Năm nay, bà đã sang tuổi 88. Dù đã rút khỏi các công việc xã hội từ năm 70 tuổi, nhưng bà Hiền vẫn luôn là người bạn đồng hành tin cậy trong các phong trào ở khu dân cư. Bà thường được mời tư vấn, góp ý khi địa phương triển khai các chương trình mới. Bà luôn lắng nghe, động viên thế hệ trẻ, nhắc lại lời Bác dặn năm nào như một cách trao truyền tinh thần sống đẹp, sống có ích.
Trong căn nhà nhỏ, bức ảnh chụp chung với Bác Hồ năm 1966 được bà đặt trang trọng ở phòng khách. Bức ảnh đã ngả màu theo thời gian, nhưng vẫn luôn là tài sản vô giá. “Mỗi lần nhìn ảnh, tôi như thấy lại ánh mắt, nụ cười của Bác. Tôi càng thấm thía câu nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Cuộc đời Bác là một tấm gương, tôi gặp Bác một lần, nhưng sống theo gương ấy cả đời”, bà xúc động nói.
“Hơn nửa đời người cống hiến, bà Lê Thị Hiền đã góp phần đưa phong trào phụ nữ phường Văn Yên phát triển mạnh mẽ, đồng thời để lại hình ảnh một cán bộ gương mẫu, sống chân thành và giàu lòng nhân ái. Dù tuổi đã cao, bà vẫn tích cực sẻ chia kinh nghiệm, sẵn lòng tham gia tư vấn các hoạt động chung. Cuộc đời bà là nguồn cảm hứng sâu sắc cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của quê hương”, bà Lê Thị Huyền Trang - cán bộ Hội Phụ nữ phường Văn Yên (TP Hà Tĩnh) chia sẻ cảm nhận.
“Hơn nửa đời người cống hiến, bà Lê Thị Hiền đã góp phần đưa phong trào phụ nữ phường Văn Yên phát triển mạnh mẽ, đồng thời để lại hình ảnh một cán bộ gương mẫu, sống chân thành và giàu lòng nhân ái. Dù tuổi đã cao, bà vẫn tích cực sẻ chia kinh nghiệm, sẵn lòng tham gia tư vấn các hoạt động chung. Cuộc đời bà là nguồn cảm hứng sâu sắc cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của quê hương”, bà Lê Thị Huyền Trang - cán bộ Hội Phụ nữ phường Văn Yên (TP Hà Tĩnh) chia sẻ cảm nhận.