Một số vấn đề về biên soạn, tổ chức triển khai tài liệu GDĐP cấp Tiểu học

21/08/2023, 16:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ở cấp Tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương (GDĐP) được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của địa phương.

Ở cấp Tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương (GDĐP) được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp Trung học cơ sở và cấp Trung học phổ thông, nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.

Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Trong thời gian vừa qua, các địa phương đã và đang tổ chức xây dựng khung nội dung và biên soạn, thẩm định chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương cho lớp 1,2,3 và năm học này (2023 – 2024) sẽ thực hiện với lớp 4. Đây là lần đầu tiên, các địa phương tổ chức biên soạn tài liệu, sách nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.

Để triển khai hiệu quả nội dung Giáo dục địa phương, mỗi tỉnh, thành phố cần thực hiện một số việc như: xây dựng kế hoạch, lựa chọn đội ngũ tác giả; huy động sự tham gia của các bên liên quan như: chuyên gia giáo dục; các sở, ban ngành địa phương, các nhà xuất bản, tổ chức thẩm định, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để triển khai tài liệu ….

Ba khâu quan trọng về thực hiện chuyên môn

Xây dựng khung nội dung; Cấu trúc tài liệu; Tổ chức dạy học là ba khâu quan trọng về thực hiện chuyên môn.

Đối với nguyên tắc lựa chọn nội dung giáo dục địa phương, mỗi tỉnh/ thành phố lựa chọn mạch nội dung khi xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu cần bám sát theo các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT. Đặc biệt là Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, văn bản chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 và chương trình các môn học, hoạt động trải nghiệm cấp Tiểu học; Công văn số 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học, Công văn 3036/ BGDĐT-GDTH về tăng cường chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học.

Nội dung GDĐP cấp Tiểu học được xây dựng dựa trên Công văn số 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức thực hiện từ năm học 2020 – 2021.

Năm học 2020 – 2021 khi tiến hành phê duyệt tài liệu GDĐP lớp 1 nhận thấy những khó khăn vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện, Bộ GDĐT đã ban hành tiếp Công văn số 3036/ BGDĐT-GDTH (ngày 20/7/2021) về tăng cường chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học. Trong phần phụ lục công văn đưa ra khung ma trận các chủ đề triển khai nội dung GDĐP như : Quê hương em; Danh lam thắng cảnh/Cảnh đẹp quê em; Nghề/làng nghề truyền thống; Phong tục tập quán; Các loại hình nghệ thuật truyền thống… Từ khung ma trận gợi ý, các địa phương căn cứ vào điều kiện của từng địa phương, đối tượng học sinh của từng khối lớp, lựa chọn nội dung phù hợp, chi tiết, cụ thể hóa các chủ đề để xây dựng khung nội dung và biên soạn tài liệu.

Về cấu trúc tài liệu giáo dục địa phương; cấu trúc chung tài liệu bao gồm: Lời nói đầu; Kí hiệu dùng trong sách/Hướng dẫn sử dụng sách; Mục lục; Nội dung sách (Các chủ đề); Giải thích thuật ngữ, trích nguồn tài liệu tham khảo, tác giả ảnh…

Cấu trúc chủ đề trong tài liệu GDĐP: Mỗi loại chủ đề/bài học có cấu trúc khác nhau. Tài liệu GDĐP cần chú trọng các loại bài tạo điều kiện cho các hoạt động trải nghiệm thực tiễn như các dự án học tập, tham quan tìm hiểu.

Đối với việc tổ chức dạy học tài liệu giáo dục địa phương cấp Tiểu học, việc tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học được dựa trên khung nội dung giáo dục địa phương theo Quyết định đã được tỉnh/thành phố phê duyệt; Chương trình Hoạt động trải nghiệm, Chương trình các môn học được phê duyệt ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tích hợp được nội dung GDĐP; Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học; Hướng dẫn thực hiện các môn học, hoạt động giáo dục của các cấp có thẩm quyền và các Quy định khác có liên quan của Hiệu trưởng nhà trường (nếu có).

Đảm bảo tính thống nhất về nội dung và thời gian tổ chức thực hiện giáo dục địa phương với Hoạt động trải nghiệm và các môn học được tích hợp.

Đảm bảo tính phù hợp: Các địa phương và nhà trường cần căn cứ vào điều kiện thực tế, đối tượng học sinh để xác định, lựa chọn nội dung giáo dục địa phương; thời lượng, phương pháp, hình thức, địa điểm tổ chức thực hiện cho phù hợp.

Đảm bảo tính linh hoạt về thời gian bắt đầu triển khai và thứ tự thực hiện các chủ đề.

Linh hoạt các hình thức khác nhau để thực hiện nội dung GDĐP

Về các hình thức tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học, các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn một hoặc nhiều hình thức tổ chức như tổ chức thực hiện riêng từng chủ đề theo tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh/thành phố đã được ban hành; Thực hiện tích hợp nội dung của các chủ đề trong tài liệu giáo dục địa phương vào quá trình dạy học các môn học, hoạt động trải nghiệm; Tổ chức thành một nội dung của các chuyên đề trong năm học.

Việc thực hiện nội dung giáo dục địa phương được tổ chức linh hoạt theo các hình thức khác nhau, tăng cường các hoạt hoạt động trải nghiệm, thực hành, tham quan thực tế, sưu tầm tư liệu, thực hiện dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng… trên cơ sở phù hợp hợp với đặc điểm của đối tượng HS, điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương.

Nội dung giáo dục địa phương là một điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo quy định trong văn bản chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, với cấp Tiểu học nội dung này được tích hợp trong Hoạt động trải nghiệm, với cấp THCS, THPT dành thời lượng riêng tương đương như một môn học.

Như vậy cần phải có một khung nội dung chung, mang tính tổng thể toàn cấp phổ thông nhằm đảm bảo tính logic, sự phát triển tuyến tính giữa các cấp học, lớp học. Khung nội dung và tài liệu biên soạn cần đảm bảo tính thực tiễn, tính khoa học, tính sư phạm, phù hợp với các đặc điểm tâm lí, trình độ phát triển nhận thức của học sinh, không gây quá tải cho học sinh; đáp ứng yêu cầu giáo dục và phát triển nhân lực của địa phương.

Thực hiện tốt nội dung giáo dục địa phương sẽ góp phần bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, đất nước và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn địa phương nơi các em sống. Và như vậy nội dung giáo dục địa phương góp phần giúp các địa phương và nhà trường thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương cần linh hoạt để các nhà trường, giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, phương thức, không gian, thời gian phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế bảo đảm mục tiêu giáo dục và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh cấp tiểu học.

Bài liên quan
Khắc phục khó khăn dạy học Nội dung giáo dục địa phương
Tài liệu giảng dạy 1 số nơi ban hành chậm; tư liệu dạy học hạn chế; tập huấn GV chưa đồng bộ là khó khăn chính triển khai Nội dung giáo dục địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một số vấn đề về biên soạn, tổ chức triển khai tài liệu GDĐP cấp Tiểu học