Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng cấp thiết.
Theo các chuyên gia, việc đầu tư nâng cấp hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu về khoa học tự nhiên là giải pháp đúng đắn để có nhân sự lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 71/NQ-CP (Nghị quyết 71) sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Với nhiệm vụ “phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Nghị quyết 71 đề cập đến việc quy hoạch và đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu về khoa học tự nhiên.
Khẳng định đây là “chủ trương đúng đắn, kịp thời và cần thiết”, ông Ngô Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) cho rằng, lâu nay, hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu là cái nôi phát hiện, bồi dưỡng và phát triển nhân tài trẻ. Đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như Toán học, Vật lý, Hóa học, Tin học, Sinh học - nền tảng cho sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Nhiều năm nay, hầu hết học sinh có thành tích quốc gia, quốc tế thuộc khối các trường chuyên, trường năng khiếu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, quốc gia nào sở hữu nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao sẽ có lợi thế cạnh tranh. Trong đó, trường chuyên là nơi khơi nguồn và ươm mầm cho đội ngũ nhân lực này.
Hệ thống trường chuyên hiện nay tuy đã có mặt ở hầu hết tỉnh/thành, nhưng còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, không gian sáng chế, đặc biệt ở các tỉnh vùng sâu, xa. Việc đầu tư nâng cấp và mở rộng không chỉ là điều kiện cần, mà còn như bước đi mang tính chiến lược nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho học sinh cả nước. “Lào Cai được tỉnh quan tâm xây dựng 1 trường chuyên mới khang trang, hiện đại, đồng bộ, thí điểm trường học thông minh với diện tích 13,5ha. Tổng mức đầu tư, cả xây dựng và trang thiết bị, khoảng 400 tỷ đồng. Dự kiến trường đưa vào sử dụng từ tháng 9/2025. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất cho phòng thí nghiệm, phòng bộ môn, hiện nay, nhà trường có phòng học STEM với nhiều trang thiết bị hiện đại; vườn công nghệ cao với các hệ thống IoT (Internet of things), cụ thể: Thủy canh, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, mô hình điện mặt trời, trạm khí tượng…”, ông Ngô Thanh Xuân chia sẻ.
Quy hoạch, đầu tư nâng cấp và mở rộng hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu về khoa học tự nhiên hết sức cần thiết. Bày tỏ quan điểm, ông Đinh Văn Trịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền (TPHCM) cho rằng, học tập các môn Khoa học tự nhiên chính là nền tảng cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Những lĩnh vực như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học lượng tử… đều bắt nguồn từ các ngành khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tin học. Do đó, đầu tư vào trường chuyên, trường năng khiếu thuộc khối ngành này chính là đầu tư vào “gốc” - nơi đào tạo nguồn nhân lực tinh hoa phục vụ cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Thực tế cho thấy, số lượng trường chuyên hiện nay quá ít so với nhu cầu thực tế, phần lớn tập trung ở các đô thị lớn. Trong đó, TPHCM và các thành phố trọng điểm cần đóng vai trò “đầu tàu” trong phát triển hệ thống này. “Với kinh nghiệm nhiều năm làm Hiệu trưởng trường THCS tại TPHCM, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương quy hoạch và đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu về khoa học tự nhiên. Đây là hướng đi cần thiết và mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sự phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Việc mở rộng hệ thống trường chuyên không chỉ giúp phát hiện, bồi dưỡng nhân tài từ sớm, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và động lực phát triển. Qua đó, chúng ta có thể nâng cao vị thế khoa học và công nghệ của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, ông Trịnh nhấn mạnh.
Chia sẻ về các giải pháp, chính sách cần thiết nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường đóng góp của hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, ông Ngô Thanh Xuân nhấn mạnh trước hết cần tập trung vào đầu tư chiều sâu và hiện đại hóa cơ sở vật chất. Theo đó, cần xây dựng các trung tâm thí nghiệm - thực hành - sáng chế - học tập số trong trường chuyên; trang bị các phòng học thông minh, thiết bị dạy học hiện đại, hạ tầng mạng mạnh và ổn định để phục vụ học sinh nghiên cứu, học tập sáng tạo; có cơ chế hỗ trợ thường xuyên cho hoạt động STEM, nghiên cứu khoa học. Cùng đó là chính sách phát triển và trọng dụng đội ngũ giáo viên chất lượng cao. Cụ thể, có cơ chế tuyển chọn, đãi ngộ đặc biệt đối với giáo viên giỏi, khả năng dẫn dắt học sinh nghiên cứu, tham gia các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Tạo điều kiện cho giáo viên trường chuyên được bồi dưỡng thường xuyên ở nước ngoài, tham gia các diễn đàn đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong giáo dục.
Giải pháp kết nối với hệ thống đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ cũng vô cùng quan trọng. Theo ông Ngô Thanh Xuân, cần xây dựng mô hình trường chuyên - đại học - doanh nghiệp để học sinh được tiếp cận thực tế nghiên cứu, được cố vấn bởi các nhà khoa học, nhà đổi mới sáng tạo. Tạo sân chơi khoa học thực tế như các cuộc thi sáng chế, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp khoa học công nghệ dành riêng cho học sinh năng khiếu. Cuối cùng là chính sách phát triển học sinh tài năng toàn diện. Bên cạnh kiến thức chuyên sâu, cần phát triển kỹ năng nghiên cứu, phản biện, làm việc nhóm, chuyển đổi số, tư duy công nghệ. Xây dựng chương trình “tài năng khoa học trẻ” để học sinh được rèn luyện như các nhà khoa học tương lai, thay vì chỉ luyện thi.
“Đầu tư cho hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu không chỉ là đầu tư cho nhóm nhỏ học sinh, mà đầu tư chiến lược cho tương lai quốc gia. Làm sao để nơi đây không chỉ là “lò luyện học sinh giỏi” mà trở thành vườn ươm nhân tài đổi mới sáng tạo quốc gia; địa điểm trải nghiệm cho các trường học trên địa bàn lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, cũng như thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong học đường”, ông Ngô Thanh Xuân nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, để tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết tỉnh, thành phố có trường, lớp chuyên. Vì vậy, các địa phương cần đánh giá lại hoạt động của hệ thống trường, lớp chuyên để từ đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, đồng thời điều chỉnh và bổ sung các nội dung giảng dạy nhằm thích ứng với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại mới.
Nhận định việc đầu tư cho hệ thống trường chuyên trong những năm qua đã đi đúng hướng và góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao chất lượng giáo dục, ông Ngai đưa ra gợi ý cho giai đoạn trước mắt: Nên giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường chuyên. Tất nhiên, để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh theo học, các trường chuyên có thể mở thêm cơ sở tại các địa phương trong tỉnh, hoặc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất tại địa điểm hiện tại. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi và hỗ trợ học sinh ở xa. Riêng tại TPHCM, với đặc thù đô thị phát triển năng động, thành phố cần tiên phong xây dựng mô hình trường chuyên tích hợp các yếu tố nghiên cứu, sáng tạo và chuyển đổi số. Các mô hình này nên được lan tỏa đến vùng ven và nhiều tỉnh khác, qua đó hình thành một hệ sinh thái giáo dục - đổi mới toàn diện.
“Phát hiện và bồi dưỡng tài năng từ sớm là xu thế chung của thế giới. Các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Đức, Phần Lan… có chương trình đào tạo học sinh năng khiếu khoa học ngay từ cấp THCS, THPT. Nếu không có môi trường chuyên biệt, học sinh giỏi dễ bị “hòa tan”, không được phát huy hết tiềm năng”, ông Đinh Văn Trịnh nhấn mạnh.