Trọng tâm đột phá là xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Đồng Tháp là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước, đứng thứ 3 cả nước về tổng sản lượng lúa của cả nước với 3,3 triệu tấn/năm, sau Kiên Giang 4,3 triệu tấn/năm, An Giang 4,1 triệu tấn/năm; đứng thứ 4 cả nước về xuất khẩu thủy sản với tổng kim ngạch khoảng 898 triệu USD, trong đó riêng cá tra đứng đầu cả nước về sản lượng xuất khẩu.
Tỉnh là trung tâm giao lưu kinh tế, trung tâm du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước. Đây cũng là địa phương duy nhất trong khu vực ĐBSCL có địa bàn nằm ở cả 2 bờ sông Tiền và có 3 thành phố trực thuộc tỉnh (Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự).
Đồng Tháp có vị trí chiến lược với gần 50km đường biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế với Campuchia, nằm trên các tuyến giao thông thuận lợi kết nối với Tp.HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận; là địa danh nổi tiếng với nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội mang nét độc đáo và riêng biệt.
Năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh Đồng Tháp đã phục hồi và có chuyển biến tích cực, mặc dù tăng trưởng kinh tế, huy động nguồn lực chưa đạt kỳ vọng nhưng ghi nhận sự lớn mạnh về quy mô kinh tế đạt mốc 110.000 tỷ đồng, xếp thứ 6 trong khu vực ĐBSCL…