“Bảo hộ rất kỹ như thế mà giờ nhìn da ai cũng đen nhẻm đi vì cháy nắng. Ngày nào làm xong mồ hôi cũng ướt đẫm áo quần, hôi rình. Rồi tay, chân trầy xước, phồng rộp cả lên. Vất vả nhất là gần một tuần vận chuyển đất thôi. Vì vừa làm vừa mưa, bùn đất chảy ra nhầy nhụa, trơn trượt bám đầy quần áo, mặt mũi. Nhưng chúng em động viên nhau, mỗi người nỗ lực thêm một chút là ngày mai học sinh có trường sạch, lớp đẹp để học rồi”, cô Yên bộc bạch.
Học sinh Trường Mầm non Mường Pồn được học tập trong cơ sở mới khang trang hơn. |
Gom nhiệt huyết, góp yêu thương
Con đường đất nhầy nhụa sau mưa; người đồng nghiệp mướt mát mồ hôi, vật lộn với chiếc xe đặc kín bùn đất 2 bánh; lũ trẻ nhếch nhác ngồi học trong căn phòng tranh tre siêu vẹo, trống huơ hoác... Những ghi nhận từ thực tế ám ảnh tâm trí đã thúc giục cô Nguyễn Thị Hiền phải làm điều gì đó.
Gọi chỗ nọ, “ới” chỗ kia, cô Hiền nhắn tin rồi viết thư xin tài trợ, với khát khao thay đổi diện mạo cho ngôi trường mình đang giảng dạy. Tình yêu thương của cô đã kết nối được những tấm lòng thiện nguyện đồng cảm, sẻ chia, trao gửi để dựng xây lên hàng loạt lớp học mới.
Từ năm 2019, những mùa hè không còn trôi qua lặng lẽ như trước. Ở các điểm trường của Pú Hồng rộn rã tiếng đầm nền, khoan cắt… hòa chung nụ cười của giáo viên và bà con bản địa. Giờ đây, 17 điểm trường ở Pú Hồng đều đã được kiên cố hóa, đảm bảo điều kiện học tập cho gần 700 con em các dân tộc địa phương.
“Trong tổng số 30 phòng học hiện có thì 7 phòng đã được xây dựng kiên cố, 12 phòng bán kiên cố, 11 nhà lắp ghép. Chúng tôi hạnh phúc vì ngoài 9 phòng sử dụng nguồn ngân sách thì toàn bộ số còn lại là xã hội hóa từ sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện”, cô Hiền bộc bạch.
Cô Hà Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Nhè, huyện Tủa Chùa thì tâm sự, sau nhiều lần chứng kiến các tổ chức thiện nguyện lên tặng quà cho học sinh địa bàn, cô không khỏi trăn trở. “Không lẽ cứ chờ đợi nơi khác đến giúp đỡ những thứ mà mình cần? Trong khi ở đây mình cũng có thể chủ động làm được một vài điều?!”.
Do khó khăn về giao thông nên việc vận chuyển nguyên liệu để xây dựng các điểm trường ở Pú Hồng hết sức vất vả. |
Rồi đến khi nhận thông tin nhà trường được một tổ chức xã hội từ thiện đầu tư xây mới nhà lớp học tại 2 điểm bản, cô Hạnh đã biến trăn trở thành hành động. Báo tin vui đến bà con, cô Hạnh cũng tranh thủ tâm sự, vận động mỗi gia đình cùng tham gia đóng góp ngày công để công trình sớm hoàn thành.
Vậy là giáo viên, phụ huynh cùng bắt tay vào việc. Trước tiên là mở đường. Chỉ sau một ngày, đoạn đường nhỏ hẹp rẽ vào trường đã được mở rộng để xe chở vật liệu thuận tiện đi lại. Khung nhà lớp học cũ nhanh chóng được tháo dỡ, tạo mặt bằng để thợ bắt tay vào thi công.
“Chỉ sau hơn một tháng, đến nay cả 2 điểm trường đều đã xây dựng xong, bao gồm đầy đủ các hạng mục: Phòng học, phòng ở của giáo viên, sân trường, tường bao, công trình vệ sinh… Bà con nhìn thành quả, ai cũng phấn khởi. Giờ chúng tôi chỉ chờ ngày bàn giao”, cô Hạnh nói.
Còn tại xã vùng cao Huổi Mí, huyện Mường Chà, từ năm học tới tập thể giáo viên Trường PTDTBT THCS đã có thể yên tâm hơn vì các lớp học đều được xây dựng, lắp đặt kiên cố hóa. Những ngày gùi đất tạo nền, trộn vữa xây tường… giờ chỉ còn trong ký vãng. Thời điểm này các thầy cô giáo đều đã có mặt tại trường. Ngoài làm công tác chuyên môn, thầy cô dọn dẹp, vệ sinh nhà lớp học, cảnh quan và sửa chữa những chỗ hỏng hóc trong hè.
“Mùa hè ở miền núi thường có mưa bão, gió lốc nên nhà lớp học sẽ bị ảnh hưởng. Năm nào nặng mà sạt lở, sập tường, tốc mái… thì giáo viên vất vả hơn. Nhưng năm nay không bị ảnh hưởng nhiều nên chúng tôi chỉ dọn dẹp, vệ sinh cảnh quan trường lớp, phòng ở, giặt chăn màn… Làm sao mọi thứ sẵn sàng, thơm tho để chờ đón học sinh về học tập, sinh hoạt”, cô giáo Lò Thị Quỳnh tâm sự.
Những ngày này ở vùng cao vẫn chưa hết mưa. Giông lốc, gió bão theo mưa kéo về sầm sập ngoài trời. Nằm trong căn phòng công vụ giữa bốn bề núi rừng, cô Quỳnh yên tâm nghỉ ngơi sau giờ lao động. Giờ đây, mỗi lần mưa gió, cô giáo vùng cao đã không còn phải nơm nớp lo sợ khi nghĩ đến đám học trò bên khu nội trú…
Ban đầu bà con cũng chưa hiểu ra. Nhưng tôi nói, lớp học hiện tại làm hoàn toàn bằng tôn, rất nóng. Nhiều năm trước, đã có trường hợp học sinh vì nóng quá mà đổ máu cam. Giờ có người cho tiền xây mới, khang trang, sạch sẽ, mát mẻ và đặc biệt là đảm bảo an toàn hơn thì tốt quá. Bà con chỉ việc đóng góp công sức cùng tham gia. Công trình nhanh hoàn thành thì con cháu của mình càng sớm được hưởng thụ. Nghe vậy, ai cũng hồ hởi đăng ký. - Cô Hà Thị Hạnh